Đường dẫn truy cập

Mùa Corona cần biết: Cái gì dơ nhất?


Nhân dịch coronavirus, mới ngồi chém gió với hai đồng nghiệp trong khoa Sinh vật của Coastline College. Một bà là bác sĩ giải phẫu thần kinh (neurosurgeon), một ông là tiến sĩ siêu vi trùng học (virology).

Tạm ngưng chút để nói về ngôn ngữ. Trước 75 ở miền Nam gọi con bacteria là vi trùng và gọi con virus là siêu vi trùng. Phòng thí nghiệm laboratoire de virologie ở viện Pasteur chẳng hạn, dịch ra tiếng Việt là Phòng thí nghiệm Siêu vi trùng học. Hiện giờ trong nước gọi con bacteria là vi khuẩn và con virus phiên âm thành vi-rút chứ không dịch.

Cá nhân tôi thấy cả hai cách gọi đều có điểm hay và điểm không hay. Gọi là siêu vi trùng thì hay, vì là tiếng Việt, nhưng cũng có thể hiểu nhầm. Hiểu là một con “trùng siêu vi,” nhỏ vô cùng nhỏ, thì đúng, nhưng nếu hiểu thành một con “vi trùng siêu” thì sai, vì nó không phải vi trùng. Vi trùng có đầy đủ một tế bào, có nhân, có các thứ. Con virus không đủ một tế bào, không có nhân, không có mitochondria, ribosomes -- nói chung trong lớp học về tế bào dạy những từ ngữ nào thì virus không có cái đó.

Gọi là vi-rút thì một mặt là phiên âm của tiếng Anh Pháp Tây Ban Nha này nọ, phải chịu thôi, khó cãi lắm. Nhưng đã lỡ có từ “vi” khuẩn rồi lại có “vi” rút nữa người ta tưởng nó là cái “rút” gì đó nhỏ và có thể thắc mắc có cái “rút” gì lớn lớn không? Có cái gì gọi là vĩ rút không? Với lại con này được khám phá ra từ thế kỷ 19 mà tới giờ lại không đặt được tên tiếng Việt cho nó, cũng tội nghiệp nó nhỉ.

Nhưng chuyện ngôn ngữ là chuyên môn của người khác. Tôi chỉ nêu thắc mắc và ý kiến thôi còn để mọi người bình luận. Trở lại với bà neurosurgeon và ông virologist.

Họ bảo là hay cho sinh viên bài tập đi lấy mẫu các nơi trong trường rồi về xem chỗ nào dơ nhất, được định nghĩa là cấy ra nhiều vi trùng và siêu vi trùng nhất.

Trong suốt mấy năm làm bài này, kể cả lần cá nhân ông tiến sĩ virology tự tay làm, cầu tiêu không phải chỗ dơ nhất.

Chỗ sạch nhất là bàn phòng thí nghiệm vi sinh và phòng thí nghiệm sinh vật, nơi sinh viên cắt mổ cóc ếch nhái. Tuy làm việc dơ vậy nhưng bàn thì sạch vì lau chùi thường xuyên. “Tôi bắt sinh viên phải dọn dẹp và lau chùi sạch sẽ, và tôi chỉ cho ông lao công cách chùi bàn,” bà bác sĩ bảo.

“Rốt cuộc cái gì mình chủi rửa thường xuyên là nó sạch, cái gì mình không chùi rửa là nó dơ,” bà giải thích. “Vì vậy cầu tiêu không phải chỗ dơ nhất. Ngày nào ông lao công cũng chùi, mà mỗi người khi 'đi' cũng thường hay chùi.”

Chỗ dơ nhất, là bàn phím computer trong các phòng làm việc.

“Không bao giờ lau, không bao giờ rửa, cho nên chưa thử đã biết sẽ nhiều vi trùng.” Và quả nhiên nhiều thật.

Các anh hùng bàn phím nên xem đấy mà làm gương.

  • 16x9 Image

    Vũ Quí Hạo Nhiên

    Vũ Quí Hạo Nhiên là giáo sư Toán đại học cộng đồng Coastline College ở Quận Cam, California, với hơn 10 năm dạy các đại học cộng đồng trong vùng như Santa Ana, Cypress, Santiago Canyon, và Orange Coast College. Ngoài ra, ông cũng từng làm báo Việt ngữ trong hơn 10 năm, với chức vụ Tổng thư ký Toà soạn và Phụ tá chủ bút cũng như cộng tác viên cho nhiều báo, đài phát thanh tại Mỹ và các nước khác.

    Ông là giám đốc chương trình luyện thi SAT cho một trung tâm tại Garden Grove, là giám khảo chấm thi AP Statistics cho College Board / ETS, và là cộng tác viên viết sách giáo khoa Toán cho nhà xuất bản Hawkes Learning.

    Trong blog này Vũ Quí Hạo Nhiên viết về những chuyện ông biết: Toán, giáo dục, lịch sử California. Ông hy vọng độc giả sẽ thảo luận, phê bình, kể cả chê trách, cũng như cho ý kiến đề nghị đề tài.

    Các bài viết của tác giả là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG