Tại buổi điều trần, nhiều nhà lập pháp đã lên tiếng ca ngợi người dân Ai Cập đã xuống đường, kêu gọi thay đổi dân chủ, và đòi Tổng thống Hosni Mubarack từ chức. Dân biểu Gary Ackerman thuộc Đảng Dân chủ, đại diện cho bang New York kêu gọi Tổng thống Obama phải xác định rõ rằng chính phủ Mỹ đứng về phía những người biểu tình.
Dân biểu Ackerman nói:
“Người dân khao khát được tự do. Thật là điều tích cực khi chứng kiến người biểu tình không giẫm đạp lên quốc kỳ của chúng ta trong khi kéo cờ nước họ lên. Thật là hứng khởi khi thấy những người tại phần đất đó của thế giới, sẵn sàng chết cho tương lai của con em họ, thay vì gởi con em họ đến chỗ chết. Mọi người đều khao khát tự do. Chúng ta cần phải khẳng định mạnh mẽ rằng chúng ta sát cánh với họ.”
Một trong những vai trò chủ yếu của Quốc hội Hoa Kỳ trong việc uốn nắn chính sách ngoại giao của Mỹ là chấp thuận hay ngăn chận viện trợ nước ngoài.
Dân biểu Ileana Ros-Lehtinen, chủ tịch Ủy ban Hạ viện về chính sách đối ngoại nói rằng nhiều chính phủ tiền nhiệm của Mỹ đã không lắng nghe lời kêu gọi của các nhà lập pháp, đòi liên kết viện trợ kinh tế và quân sự với thành tích tôn trọng nhân quyền.
Bà nói thêm rằng Washington đang phạm cùng một lỗi lầm tại Ai Cập và Lebanon, nơi mà nhóm chủ chiến Hezbollah đang đóng vai trò lớn hơn trong chính quyền. Dân biểu Ros-Lehtinen nói:
”Washington cũng đang tiếp tục trợ giúp chính phủ Lebanon, trong đó nhóm Hezbollah có quyền phủ quyết.”
Bà Ros-Lehtinen nói Hoa Kỳ cần theo đuổi một chiến lược dài hạn nhằm hỗ trợ các tổ chức dân chủ tại Trung Đông và các nơi khác.
Ông Elliot Abrams thuộc Hội đồng Quan hệ Đối Ngoại, một tổ chức nghiên cứu, nói đã đến lúc Hoa Kỳ nên tận dụng các khoản viện trợ tài chánh để thuyết phục các nước khác. Ông nói:
”Tôi tin rằng chúng ta nên xác định rõ với quân đội Ai Cập ngay bây giờ rằng khoản tiền hàng tỉ đôla một năm mà họ nhận được không phải là điều đương nhiên. Mà cách hành sử của họ sẽ quyết định họ nhận được bao nhiêu tiền viện trợ của Hoa Kỳ.”
Ông Robert Satloff thuộc Viện nghiên cứu Washington về chính sách Cận Đông nói ông tin rằng chính sách của chính quyền Tổng Thống Obama về các cuộc biểu tình tại Ai Cập cho tới nay có cơ sở, nhưng ông đồng ý rằng viện trợ quân sự nên được gắn liền với những thay đổi tích cực. Ông Satloff nói:
“Chính quyền đã làm đúng khi ủng hộ tư duy thay đổi, và tinh thần dân chủ vốn là trọng tâm của các cuộc biểu tình, trong khi đó hoạt động trên căn bản những đánh giá hợp lý rằng quân đội Ai Cập đã là và có lẽ vẫn là yếu tố thiết yếu để giải quyết cuộc khủng hoảng quốc gia đã đặt hàng triệu người biểu tình vào thế chống lại một vị Tổng thống bướng bỉnh đang ngày càng bị cô lập.”
Tất cả các chuyên gia trong hội đồng Hạ Viện đều đồng ý rằng Hoa Kỳ không nên cắt giảm viện trợ cho quân đội Ai Cập ngay trong lúc này, nhưng hãy chờ xem liệu quân đội Ai Cập có chọn trở thành một tác nhân cho thay đổi dân chủ hay không.