Một công ty của Mỹ đang tiến hành một cuộc điều tra theo sau tố giác rằng hoạt động của công ty này ở Việt Nam, quốc gia có nạn tham nhũng tràn lan, đã vi phạm luật chống hối lộ của Hoa Kỳ.
Tiết lộ được đưa ra trong báo cáo thường kỳ mà công ty Boston Scientific Corp nộp cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) vào tuần trước, bao gồm các hoạt động và thu nhập của công ty chuyên sản xuất các thiết bị y tế trong suốt quý II năm nay.
Trong báo cáo đưa ra hôm 4/8, Boston Scientific cho biết rằng họ đã nhận được một lá thư tố giác hồi tháng 3 năm nay liên quan đến hoạt động của họ ở Việt Nam. Bức thư này cáo buộc rằng công ty, có trụ sở chính ở Massachusetts, đã vi phạm Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Boston Scientific, được xem là một gã khổng lồ về công nghệ y tế, cho biết họ “đang hợp tác với các cơ quan của chính phủ trong khi điều tra những cáo buộc này.”
Một đại diện của Boston Scientific từ chối bình luận về cuộc điều tra với VOA và cho biết những thông tin mà công ty có thể đưa ra là những gì đã tiết lộ trong báo cáo thường quý mới công bố.
Công ty không đưa ra thêm bất kỳ chi chi tiết gì về bản chất hoặc phạm vi của các vi phạm bị cáo buộc hay về cuộc điều tra đối với những cáo buộc đó. Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài cấm các công ty của Mỹ đưa hối lộ cho các quan chức nước ngoài để đạt được lợi thế trong kinh doanh.
Đạo luật này cũng yêu cầu các công ty báo cáo với SEC, một cơ quan quản lý độc lập của chính phủ liên bang chịu trách nhiệm bảo vệ các nhà đầu tư, và họ phải đáp ứng các điều khoản kiểm toán nhất định. Cụ thể, theo Bộ Tư pháp, họ phải “lập và lưu giữ các sổ sách và hồ sơ phản ánh chính xác và trung thực các giao dịch của công ty” cũng như “thiết lập và duy trì một hệ thống kiểm soát kiểm toán nội bộ đầy đủ.
SEC, một trong bốn cơ quan quản lý lớn nhất của thị trường tài chính Mỹ, và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ là hai cơ quan thực thi Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài.
Công ty TNHH Boston Scientific Việt Nam là chi nhánh của công ty này tại quốc gia Đông Nam Á, với trụ sở chính ở TP Hồ Chí Minh, theo một văn bản của công ty đăng trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế về phân loại trang thiết bị y tế. Được biết, công ty này bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ tháng 1/2020 dưới sự quản lý thuế của Cục Thuế TPHCM.
Một nhân viên của công ty ở Việt Nam từ chối bình luận với VOA qua điện thoại. Yêu cầu bình luận của VOA gửi tới Giám đốc công ty Nguyễn Quốc Thịnh qua email, do nhân viên này cung cấp, về cuộc điều tra tố cáo hối lộ của công ty ở Việt Nam không ngay lập tức được trả lời.
Hối lộ ở Việt Nam
Việt Nam được biết là quốc gia có nạn tham nhũng tràn lan, đứng thứ 87/180 trên bảng chỉ số tham nhũng 2021 của tổ chức Minh bạch Quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là một tiến bộ so với thứ hạng 113 cách đây 6 năm.
Một chiến dịch chống tham nhũng được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động ở Việt Nam trong 6 năm qua đã đưa nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ, gồm cả ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, và nhiều lãnh đạo các ngành công an, ngân hàng, dầu khí ra trước vành móng ngựa với các cáo buộc gồm cả nhận hối lộ.
Khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy khoảng 66% doanh nghiệp tại Việt Nam phải trả “phí bôi trơn” cho quan chức để việc kinh doanh được thuận tiện.
Phí ‘bôi trơn’, ‘lại quả’ hay tiền hoa hồng được xem là một hình thức hối lộ trá hình ở Việt Nam.
Việc các doanh nghiệp nước ngoài phải trả phí ‘bôi trơn’ hay ‘lại quả’ cho các quan chức Việt Nam khi làm ăn ở đây đã từng có tiền lệ.
Theo một hãng tin tình báo quốc phòng Anh cho biết vào tháng 7/2017, các quan chức chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các đối tác của Mỹ phải trả 25% hoa hồng cho các thương vụ mua bán vũ khí. Nguồn tin quốc phòng của Mỹ được Shephard Media trích dẫn tiết lộ rằng các giới chức quốc phòng Việt Nam thông báo với phái đoàn của Mỹ rằng các thương vụ này phải được “lại quả” 1/4 của tổng giá trị hợp đồng.
Để có được sự thuận lợi trong công việc kinh doanh ở Việt Nam, các công ty của Nhật Bản cũng đã phải hối lộ quan chức ở quốc gia Đông Nam Á.
Các lãnh đạo của Tập đoàn nhựa Nhật Bản, Tenma Corp, đã bị buộc tội vì đưa hối lộ 23,6 triệu Yen cho các quan chức thuế của Việt Nam để trốn thuế trong vụ việc bị phanh phui nào năm 2020. Trước đó vào năm 2015, công ty JTC của Nhật Bản cũng phải hối lộ các quan chức ngành đường sắt Việt Nam số tiền ‘lót tay’ gần 70 triệu Yên, mà theo các bị can khai là để chi vào các khoản tiếp khách, đối ngoại và biếu các ‘sếp’ dịp lễ Tết.
Một vụ việc hối lộ đình đám trước đó của một công ty Nhật Bản với các quan chức Việt Nam liên quan đến dự án Đại lộ Đông Tây vào năm 2008. Bốn quan chức của công ty PCI khai đã hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên phó giám đốc Sở Giao thông Vận tại TPHCM, tổng số tiền hơn 800.000 USD để được thắng thầu tư vấn một phần dự án. Sự việc này đã khiến Nhật Bản tạm dừng cung cấp vốn vay ưu đãi cho Việt Nam và xem xét lại việc thực viện vốn ODA tại quốc gia Đông Nam Á.
Việt Nam được xem là một trong 20 thị trường mới nổi đối với Boston Scientific, công ty có chi nhánh ở 40 quốc gia trên thế giới.
Báo cáo mới được đưa ra của công ty nói rằng các thị trường mới nổi này, gồm cả Việt Nam, nằm trong chiến lược thúc đẩy mở rộng toàn cầu của Boston Scientific nhằm tăng doanh số bán hàng và thị phần thông qua việc mở rộng sự hiện diện của họ trên toàn cầu. Công ty này cho rằng Việt Nam và 19 thị trường mới nổi còn lại trong danh sách đưa ra trong báo cáo “có tiềm năng phát triển mạnh mẽ dựa trên điều kiện kinh tế cũng như lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của họ và khả năng toàn cầu của chúng tôi.”
Diễn đàn