Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế hôm 20/5 cho biết ông đang xin lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel và Hamas, bao gồm cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, liên quan đến hành động của họ trong cuộc chiến kéo dài 7 tháng qua giữa Israel và Hamas.
Công tố viên trưởng Karim Khan nói rằng ông tin là Thủ tướng Netanyahu, bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant và ba thủ lĩnh Hamas – Yehia Sinwar, Mohammed Deif và Ismail Haniyeh – phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Dải Gaza và Israel.
Công tố viên phải xin lệnh từ một hội đồng trước phiên xét xử gồm ba thẩm phán, những người này mất trung bình hai tháng để xem xét bằng chứng và xác định xem liệu thủ tục tố tụng có thể được tiếp tục hay không.
Israel không phải là thành viên của tòa án này và ngay cả khi lệnh bắt giữ được ban hành, ông Netanyahu và ông Gallant không phải đối mặt với bất kỳ nguy cơ bị truy tố ngay lập tức nào. Nhưng thông báo của Công tố viên trưởng Khan càng làm sâu sắc thêm sự cô lập của Israel khi nước này tiếp tục cuộc chiến và mối nguy bị bắt giữ có thể gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo Israel khi ra nước ngoài.
Ngoại trưởng Israel Israel Katz cho biết quyết định của trưởng công tố viên xin lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel là "một nỗi ô nhục lịch sử sẽ được ghi nhớ mãi mãi".
Ông cho biết ông sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt để chống lại bất kỳ hành động nào như vậy và sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo thế giới để đảm bảo rằng bất kỳ lệnh truy nã nào như vậy sẽ không được thực thi đối với các nhà lãnh đạo Israel.
Ông Benny Gantz, cựu chỉ huy quân sự và thành viên Nội các Chiến tranh của Israel cùng với ông Netanyahu và ông Gallant, đã chỉ trích gay gắt thông báo của Công tố Khan, nói rằng Israel chiến đấu với “một trong những quy tắc đạo đức nghiêm ngặt nhất” và có một cơ quan tư pháp mạnh mẽ có khả năng tự điều tra.
“Nhà nước Israel đang tiến hành một trong những cuộc chiến chính nghĩa trong lịch sử hiện đại sau vụ thảm sát đáng trách do kẻ khủng bố Hamas gây ra vào ngày 7 tháng 10,” ông Gantz nói. “Bản thân quan điểm của công tố viên xin lệnh bắt giữ đã là một tội ác mang tính lịch sử cần được ghi nhớ qua nhiều thế hệ.”
Nhóm chiến binh Hamas đã tố cáo yêu cầu của công tố viên ICC yêu cầu bắt giữ các thủ lĩnh của nhóm này.
Trong một tuyên bố, Hamas cáo buộc công tố viên đang tìm cách “đánh đồng nạn nhân với kẻ hành quyết”. Họ nói rằng họ có quyền chống lại sự chiếm đóng của Israel, bao gồm cả “kháng cự bằng vũ trang”.
Nhóm này cũng chỉ trích tòa án vì chỉ yêu cầu bắt giữ hai nhà lãnh đạo Israel và nói rằng họ nên xin lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel khác.
Cả ông Sinwar và ông Deif được cho là đang ẩn náu ở Gaza khi Israel tìm cách truy lùng họ. Nhưng ông Haniyeh, thủ lĩnh tối cao của nhóm chiến binh Hồi giáo, ở tại Qatar và thường xuyên đi lại khắp khu vực.
Israel phát động chiến tranh để đáp trả cuộc tấn công xuyên biên giới ngày 7 tháng 10 của Hamas, vốn khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, và bắt 250 người khác làm con tin. Theo ước tính mới nhất của các quan chức y tế Gaza, cuộc tấn công của Israel đã giết chết hơn 35.000 người Palestine, ít nhất một nửa trong số đó là phụ nữ và trẻ em. Theo các quan chức Liên Hợp Quốc, cuộc tấn công của Israel cũng đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, khiến khoảng 80% dân số phải di dời và khiến hàng trăm nghìn người đứng trước bờ vực chết đói.
Nói về hành động của Israel, Công tố viên trưởng Khan cho biết trong một tuyên bố rằng “tác động của việc sử dụng nạn đói như một phương pháp chiến tranh, cùng với các cuộc tấn công khác và hình phạt tập thể đối với dân thường ở Gaza là nghiêm trọng, rõ ràng và được biết đến rộng rãi. ... Chúng bao gồm suy dinh dưỡng, mất nước, đau khổ sâu sắc và số ca tử vong ngày càng tăng trong người dân Palestine, bao gồm cả trẻ sơ sinh, trẻ em khác và phụ nữ.”
Liên Hợp Quốc và các cơ quan viện trợ khác đã nhiều lần cáo buộc Israel cản trở việc vận chuyển viện trợ trong suốt cuộc chiến. Israel phủ nhận điều này, nói rằng không có hạn chế nào đối với viện trợ vào Gaza và cáo buộc LHQ không phân phối viện trợ. Liên Hợp Quốc cho biết các nhân viên cứu trợ đã nhiều lần bị Israel chỉ trích, đồng thời cho biết giao tranh đang diễn ra và tình trạng thiếu hụt an ninh đã cản trở việc giao hàng viện trợ.
Về các hành động của Hamas vào ngày 7 tháng 10, Công tố viên trưởng Khan, người đã đến thăm khu vực này vào tháng 12, nói rằng ông đã tận mắt chứng kiến “những cảnh tượng tàn khốc của những cuộc tấn công này và tác động sâu sắc của những tội ác vô lương tâm bị buộc tội trong đơn nộp ngày hôm nay. Nói chuyện với những người sống sót, tôi được biết rằng tình yêu thương trong một gia đình, mối liên kết sâu sắc nhất giữa cha mẹ và con cái, đã bị bóp méo bằng nỗi đau khôn lường thông qua sự tàn ác có tính toán và sự nhẫn tâm tột độ. Những hàng động này đòi hỏi trách nhiệm giải trình.”
Sau một thời gian ngắn được quốc tế ủng hộ cho cuộc chiến của mình, Israel ngày càng phải đối mặt với sự chỉ trích khi chiến tranh kéo dài và số người chết ngày càng tăng.
Israel cũng đang phải đối mặt với vụ kiện của Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế, cáo buộc Israel tội diệt chủng. Israel phủ nhận những cáo buộc đó.
Yêu cầu của Công tố viên trưởng Khan xin trát của tòa trong cuộc xung đột Israel-Gaza được đưa ra 14 tháng sau khi tòa án ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vì tội ác chiến tranh, cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm cá nhân về vụ bắt cóc trẻ em từ Ukraine.
Diễn đàn