Hôm 8/8, cảnh sát Cộng hòa Czech cho VOA - Việt ngữ biết cơ quan này đã chính thức mở cuộc điều tra vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin, Đức rồi đưa lên một chiếc xe đăng ký biển số Cộng hòa Czech.
Trao đổi qua email với VOA, bà Ivana Nguyenová, Phát ngôn viên của Cảnh sát Cộng hòa Czech cho biết: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng cảnh sát đang xử lý hồ sơ này. Tuy nhiên, vì lý do nghiệp vụ, chúng tôi không thể cung cấp thêm chi tiết.”
Chúng tôi có thể xác nhận rằng cảnh sát đang xử lý hồ sơ này. Tuy nhiên, vì lý do nghiệp vụ, chúng tôi không thể cung cấp thêm chi tiết.Phát ngôn viên Cảnh sát CH Czech Ivana Nguyenova
Trước đó hôm 4/8, Đài phát thanh Praha (Radio Praha) và cũng loan báo rằng chính quyền Cộng hòa Czech đang thực hiện cuộc điều tra này.
Cùng ngày, báo Tyden của Cộng hòa Czech trích lời luật sư Victor Pfaff của ông Thanh nói rằng các nhân chứng nhìn thấy những người đàn ông có vũ trang hôm 23/7 đã cưỡng bức, đẩy một người đàn ông và một phụ nữ vào một chiếc xe hơi gắn biển số Cộng hòa Czech trước khách sạn Sheraton ở thủ đô Berlin.
Bản tin của Radio Praha cho biết thêm, Trịnh Xuân Thanh đã đệ đơn xin tỵ nạn chính trị ở Đức vì bị nhà nước Việt Nam truy nã.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 7/8, Bộ Công an Việt Nam ra lệnh tạm giam thời hạn 4 tháng đối với Trịnh Xuân Thanh để phục vụ công tác điều tra về những sai phạm trong thời kỳ tại vị của bị can này.
Ngày 31/7, truyền thông trong nước loan báo ông Trịnh Xuân Thanh đã đến trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đầu thú “để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật.”
Trả lời đài truyền hình VTV hôm 3/8, ông Trịnh Xuân Thanh cho biết cảm thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của mình và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) nên đã quyết định trốn tại Đức.
Gần một năm trước, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế đối với Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC vì “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Chính phủ Đức đã yêu cầu Hà Nội cho phép ông trở lại quốc gia Tây Âu này để được xét đơn tị nạn cũng như để cân nhắc yêu cầu dẫn độ ông của Việt Nam.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói hôm 4/8 rằng nước này đang xem xét các biện pháp chống lại Việt Nam vì đã bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức.
Hãng tin Reuters trích lời ngoại trưởng Gabriel nói việc Hà Nội chối bỏ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh “gợi nhớ lại những bộ phim gián điệp thời Chiến tranh lạnh.”
Ngoại trưởng Gabriel cho biết Đức đã yêu cầu một nhân viên tình báo tại sứ quán Việt Nam ở Berlin rời khỏi Đức vì có dính líu tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó vào tháng 6 tại Hà Nội, theo Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman đã ký kết văn kiện hợp tác trong lĩnh vực “chuyển giao người bị kết án và phòng, chống tội phạm.”
Không rõ liệu vấn đề chuyển giao tội phạm đối với Trịnh Xuân Thanh có được bàn trong cuộc gặp cấp nhà nước này hay không, nhưng những quyết tâm truy bắt và di lý ông Thanh về Việt Nam là rất lớn, vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ đạo rằng: “Bằng mọi cách phải di lý, bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xét xử.”