Đường dẫn truy cập

Cộng đồng người Việt ở Houston lớn mạnh nhờ duy trì ngôn ngữ và văn hóa


Bữa cơm gây quỹ của cộng đồng Việt Nam tại hội trường Giáo xứ Đức Mẹ La Vang. Ảnh: G. Flakus/VOA.
Bữa cơm gây quỹ của cộng đồng Việt Nam tại hội trường Giáo xứ Đức Mẹ La Vang. Ảnh: G. Flakus/VOA.

Từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt vào năm 1975, cộng đồng Việt Nam ở thành phố Houston đã phát triển từ vài trăm người lên tới hơn 100.000 người, một phần nhờ thành phần di dân mới, tuy nhiên cũng nhờ một số cư dân Việt Nam ở California, một cộng đồng đông đúc hơn nhiều, đã dọn về Houston sinh sống. Họ đến để tìm việc và vì đời sống ít đắt đỏ hơn. Cộng đồng người Việt tại đây phát triển lớn mạnh nhờ tiếp tục gắn bó với ngôn ngữ và nền văn hóa của quê nhà.

Tại sinh hoạt thường niên để gây quỹ cho các tổ chức từ thiện, các nghệ sĩ phụ trách chương trình văn nghệ và những người đến dự đều là người Việt Nam, và thực phẩm tại đây cũng là thực phẩm Việt Nam.

Các món ăn vô cùng hấp dẫn đều được chế biến từ thực phẩm tươi bởi một nhóm đầu bếp tình nguyện.

Số tiền quyên được tại buổi sinh hoạt này được dùng để ủng hộ giáo xứ Đức Mẹ La Vang và các tổ chức từ thiện.

Sự kiện này thu hút hàng ngàn người Mỹ gốc Việt thuộc đủ mọi lứa tuổi.

Giáo xứ Đức Mẹ La Vang ở Houston, Mỹ. Ảnh: G. Flakus/VOA.
Giáo xứ Đức Mẹ La Vang ở Houston, Mỹ. Ảnh: G. Flakus/VOA.

Một phụ nữ trẻ nói:

“Ở đây chúng tôi vẫn có thể ăn các món ăn Việt Nam, tham gia rất nhiều hoạt động như thế này tổ chức tại các nhà thờ và các hội từ thiện, và nhiều thứ khác nữa. Thế cho nên hãy tới Houston!”

Một yếu tố thu hút người Mỹ gốc Việt chọn Houston để an cư lạc nghiệp là thời tiết ấm áp.

Một thanh niên mới từ Việt Nam di dân sang Mỹ nói:

“Thành phố Houston, thời tiết rất giống Việt Nam, cho nên tôi nghĩ là có thể sống dễ dàng ở đây”.

Nhưng anh Keith Robinson Nguyễn nói rằng quan trọng nhất là sợi dây liên kết người Việt ở Houston với nhau bằng ngôn ngữ.

Anh nói: “Tại đây có các bác sĩ Việt Nam, thầy cô giáo người Việt, luật sư người Việt, có thể giúp họ từ A đến Z, họ không cần tới thông dịch”.

Anh Keith Robinson Nguyen. Ảnh: G. Flakus/VOA.
Anh Keith Robinson Nguyen. Ảnh: G. Flakus/VOA.

Anh Robinson được nuôi dưỡng trong một gia đình Mỹ và thoạt tiên cảm thấy như một người lạ khi mới đến Houston.

Anh kể: “Tôi không tiếp xúc được với người Việt ở đây bởi vì tôi không nói được tiếng Việt và không biết gì về văn hóa Việt Nam. Dù tôi có gốc Việt Nam, tôi vẫn bị thua thiệt”.

Giờ đây anh Robinson đã có thể giao lưu với những người khác bằng tiếng Việt và đang tiếp tục học hỏi thêm từ những lãnh đạo cộng đồng, như bà Kim Nguyễn.

Bà Kim nói: “Chúng tôi đều tham gia cộng đồng để giúp đỡ lẫn nhau”.

Bà nói rằng nhiều người lớn tuổi biết rất ít tiếng Anh, nhưng những người trẻ tuổi hơn, dù không thông thạo tiếng Việt, vẫn duy trì bản sắc của mình tại các sự kiện văn hóa như sinh hoạt quyên góp tiền bạc để giúp nhà thờ.

Bà Kim nói tiếp: “Ngay cả khi họ không hiểu tiếng Việt lắm, họ vẫn đi lễ tại nhà thờ Việt Nam, bởi vì họ muốn cho mọi người biết là họ có nguồn gốc Việt Nam”.

Niềm tự hào ấy, cũng như nhận thức về bản sắc văn hóa, đã giúp cho cộng đồng người Việt ở Houston tiếp tục lớn mạnh từng ngày.

VOA Express

XS
SM
MD
LG