Đã có một số người viết, bản thân tôi trên blog này cũng đã viết, về sự cần thiết của một xã hội dân sự tại Việt Nam. Trong bài này, tôi muốn tập trung vào một luận điểm khác: cộng đồng mạng (bao gồm các cây bút trên website hoặc trên blog) có thể được xem như một bộ phận tiền phong của xã hội dân sự mà chúng ta đang mơ ước.
Tuy nhiên, trước khi phân tích luận điểm ấy, chúng ta cần bàn một chút về khái niệm xã hội dân sự (civil society).
Trước, quan hệ giữa người với người trong một nước thường chỉ được nhìn từ ba lăng kính chính: trong phạm vi gia đình, trong lãnh vực thương mại và trong sinh hoạt chính trị tập trung chung quanh nhà nước. Phạm vi thứ nhất dựa trên tình cảm giữa bố mẹ/ông bà và con cháu, hoặc rộng hơn, giữa những người cùng chung một dòng máu. Phạm vi thứ hai dựa trên lợi nhuận không những giữa những người bán hàng và những người mua hàng mà còn giữa chủ và thợ; giữa những người làm dịch vụ và những kẻ tiêu dùng. Cuối cùng, phạm vi thứ ba dựa trên quyền lực: Sinh hoạt chính trị thực chất là sinh hoạt phân bố và thực thi quyền lực. Dĩ nhiên trong chính trị cũng có tình cảm (thường nhất là qua lòng trung thành và sự hy sinh) cũng như lợi nhuận (quyền lực vốn bao giờ cũng gắn liền với lợi nhuận); nhưng tự bản chất, trong thế giới chính trị, yếu tố nòng cốt, trước hết và trên hết, bao giờ cũng là vấn đề quyền lực, trong đó, nổi bật nhất là vấn đề: ai cầm quyền?
Ba thứ quan hệ ấy, thật ra, không đủ. Không đủ vì nhiều lý do. Thứ nhất, ở con người, ngoài gia đình, người ta cần có nhu cầu chia sẻ tình cảm cũng như tư tưởng với người khác, những người không cùng máu mủ với mình. Quan hệ giữa chúng ta với người khác – ngoài phạm vi gia đình – không phải chỉ giới hạn trên nền tảng lợi nhuận hay quyền lực. Nếu vậy, đời sống sẽ nghèo nàn và khốn khổ biết mấy. Chúng ta cần tình bạn; không phải chỉ với một hai người mà với nhiều người. Chúng ta cần tình đồng chí, hiểu theo nghĩa tốt và phi chính trị, với những người cùng một sở thích hay một lý tưởng nào đó. Chúng ta cần những không gian rộng rãi không có những tính toán, những so đo hay những giành giật như khi chúng ta buôn bán hay liên hệ với công quyền.
Những quan hệ ở ngoài ba thứ quan hệ kể trên (gia đình, thương mại và chính trị) được gộp chung thành một xã hội dân sự: Nó bao gồm tất cả các tổ chức và sinh hoạt dựa trên nguyên tắc tự nguyện và độc lập với chính quyền cũng như với tính chất thương mại. Nó được hình thành trên nền tảng sự chia sẻ những sở thích và giá trị chung. Và chỉ có sở thích và giá trị.
Xã hội dân sự bao gồm nhiều hình thức như các hội nghề nghiệp, các tổ chức dựa trên niềm tin (faith-based organization; ví dụ các sinh hoạt tôn giáo), các hội từ thiện, các tổ chức cộng đồng hay các công đoàn, các câu lạc bộ của những người cùng sở thích, v.v.
Nhìn vào danh sách trên, chúng ta dễ ngỡ ở Việt Nam, cái gì cũng có. Có Mặt trận Tổ quốc. Có Hội nhà văn, Hội nhà báo và bao nhiêu thứ Hội khác. Có Câu lạc bộ Cựu chiến binh. Có Hội phụ nữ. Có Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Có Đội Thiếu niên Tiền Phong. Vân vân.
Nhưng không phải. Trên nguyên tắc, tất cả các hội đoàn ở Việt Nam đều được xem là các tổ chức ngoại vi của Đảng. Và trên thực tế, tất cả đều được đặt dưới sự lãnh đạo cũng như kiểm soát nghiêm ngặt của Đảng. Tiền bạc: nhà nước cấp. Nhân sự: nhà nước bổ dụng. Đường lối: nhà nước quyết định. Chúng hoàn toàn không phải là các tổ chức phi chính phủ, phi chính trị và phi lợi nhuận như yêu cầu cơ bản của một xã hội dân sự.
Có thể nói một cách tóm tắt: Ở Việt Nam chưa hề có sự hiện diện của một xã hội dân sự; hoặc nếu có, chỉ có một cách nhỏ nhoi, yếu ớt, thậm chí, lén lút.
Sự thiếu vắng một xã hội dân sự như vậy là một thiệt thòi, hơn nữa, một tai hại không những cho cá nhân mà còn cho xã hội và đất nước nói chung.
Với cá nhân, thiếu kích thước dân sự, đời sống tinh thần của con người sẽ nghèo nàn hẳn đi. Quan hệ giữa người và người trở thành chật chội hẳn. Cứ so sánh với xã hội phương Tây thì biết. Ở Tây phương, với các thanh niên, chẳng hạn, vào cuối tuần, họ làm gì? Họ gặp bạn bè để ăn nhậu ư? Ừ, thì cũng có. Họ đi xem các môn thể thao ư? Ừ, thì cũng có. Nhưng khá nhiều người trong họ có các sinh hoạt khác. Họ tham gia vào sinh hoạt của các câu lạc bộ khác nhau, từ câu lạc bộ của những người thích đọc sách, của những người thích bóng đá, thích đua thuyền… Hoặc họ tham gia vào các hoạt động từ thiện: có khi ra đứng ngoài đường, dưới trời nắng chang chang, để xin từng đồng tiền cắc của người qua kẻ lại cho một mục đích nhân đạo nào đó, như giúp trẻ em vô gia cư hay gây quỹ cứu người ung thư, v.v. Hoặc họ tham gia vào các sinh hoạt của các hội đoàn, từ Hội Hướng đạo đến các đoàn thể tôn giáo. Trong khi đó, ở Việt Nam, người ta làm gì? – Làm đủ thứ, trừ việc tham gia vào một xã hội dân sự thực sự.
Với cả xã hội hoặc đất nước, đó không phải là một thiệt thòi mà còn là một tai hại: Nó không cho người ta một cơ hội để sống với người khác, một cách sống trong sáng, thoát ra ngoài ám ảnh của lợi nhuận và quyền lực. Nó không cho người ta cơ hội để đối thoại, trao đổi tư tưởng để dần dần hoàn chỉnh bảng giá trị riêng cho mình, từ đó, phân biệt những gì đúng và những gì sai, những gì hay và những gì dở; hơn nữa, để rèn luyện kỹ năng thương thảo với người khác nhằm đạt đến một thỏa thuận chung. Đó là chưa kể, nó không cho người ta cơ hội để cất lên tiếng nói của mình, tranh đấu cho mục tiêu và lý tưởng, thậm chí, quyền lợi của chính mình.
Là một tai hại, vì tất cả những yếu tố vừa kể đều là những tiền đề cần thiết để xây dựng một xã hội dân chủ. Chúng là căn bản của văn hóa dân chủ. Bởi dân chủ không là gì cả nếu không phải là sự tôn trọng người khác, không dựa trên một bảng giá trị chung nhắm đến sự phát triển cho mọi người, không được tiến hành qua các biện pháp đàm phán và không nhắm đến sự đồng thuận của đa số.
May, gần đây, tôi thấy có dấu hiệu manh nha của một xã hội dân sự tại Việt Nam. Ở dạng manh nha, nó khác hẳn với các hình thức manh nha của xã hội dân sự Tây phương trước đây vốn tập trung quanh các tôn giáo hoặc các hội nghề nghiệp: Nó xuất hiện trên mạng. Trên thế giới ảo. Chúng ta thường gọi chung đó là thế giới mạng.
Hình thức nổi bật nhất của thế giới mạng Việt Nam hiện nay là các blog. Số lượng blog ở Việt Nam khá nhiều, trong đó có những blog thu hút rất nhiều người đọc, có lẽ nhiều hơn hẳn các tờ báo in hay báo mạng chính thống của nhà nước, ví dụ, blog của Anh Ba Sàm, Dân Làm Báo, Bauxite Việt Nam, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Xuân Diện, v.v. Trên các blog ấy, người ta thường xuyên bắt gặp các cuộc bàn luận về các vấn đề quan trọng của đất nước, từ quan hệ với Trung Quốc đến các cuộc biểu tình của nông dân, từ việc tham nhũng đến sự xuống cấp của giáo dục, từ tư cách của giới lãnh đạo đến sự cùng khổ của dân chúng, v.v. Không phải cuộc thảo luận nào cũng sâu sắc. Cũng không phải ý kiến nào cũng chính xác. Tuy nhiên, đó không phải là điều quan trọng. Quan trọng nhất là điều này: Người ta lên tiếng trình bày những điều khiến mình thao thức nghĩ ngợi hoặc gay gắt hơn, những gì mình muốn tranh luận với người khác và phản biện với giới cầm quyền.
Bản thân việc lên tiếng, tranh luận và phản biện mà không gắn liền với bất cứ lợi nhuận hay quyền lực nào như thế đã là một điều cực tốt: Chúng là nền tảng của xã hội dân sự và là tiền đề của văn hóa dân chủ.
Không có những nền tảng và tiền đề ấy, có đánh sập chế độ độc tài này thì người ta cũng sẽ dựng lên một chế độ độc tài khác. Thế thôi.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.