Đường dẫn truy cập

Công dân mạng Trung Quốc nghĩ gì về Ðại hội Ðảng lần thứ 18?


Các đại biểu chụp hình trước Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh trước phiên khai mạc của Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh, ngày 8/11/2012.
Các đại biểu chụp hình trước Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh trước phiên khai mạc của Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh, ngày 8/11/2012.
Những người sử dụng mạng Internet nhận định ra sao về cuộc chuyển quyền tại Ðại hội Ðảng Cộng sản Trung Quốc? Mời quý vị theo dõi bài phân tích trên mạng của đài VOA.

Cuộc cải tổ giới lãnh đạo 10 năm mới có 1 lần của Trung Quốc là một diễn biến được dàn dựng kỹ nhắm quảng bá thành quả của các nhà lãnh đạo sắp xuất nhiệm và gợi ý về các kế hoạch của các nhà lãnh đạo tương lai.

Nhưng khác với những vụ chuyển quyền lãnh đạo trước đây, cuộc chuyển quyền năm nay đang được thảo luận vào lúc diễn ra bởi hàng chục triệu người trên mạng. Gần 40 phần trăm dân chúng Trung Quốc nay lên mạng Internet và công luận đã ngày càng trở nên một yếu tố trong tiến trình thực hiện quyết định của Trung Quốc.

Một cuộc thăm dò do Tân Hoa Xã thực hiện tường trình rằng sự trông đợi lớn nhất của những người được gọi là công dân mạng là được chia sẻ thành quả phát triển.

Cũng có sự quan tâm lớn dành cho các kế hoạch có ảnh hưởng đến cuộc sống của dân chúng như giáo dục, nhà cửa, an toàn thực phẩm và công ăn việc làm.

Trên mạng, một số người sử dụng mạng tránh né sự chú ý của kiểm duyệt nhà nước tỏ ý nghi ngờ về việc liệu đảng có đo lường các chỉ số tiến bộ về kinh tế đúng đắn hay không.

Một người sử dụng mạng ở tỉnh Quảng Ðông viết trên tài khoản Weibo: “Chúng ta thường luôn luôn bị say sưa về những hàng hàng lớp lớp cao ốc ở các thành phố, nghĩ rằng đó là dấu hiệu của sức mạnh và tầm quan trọng của đất nước. Nhưng nếu các vấn đề cuộc sống của người dân thường không được giải quyết, thì sự ưu việt về bất cứ mặt nào khác đều là vô ích.”

Trên các cơ quan truyền thông nhà nước và trên mạng, phần lớn bình luận đã tập trung vào bài diễn văn của Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào sắp xuất nhiệm và những lời cảnh báo của ông về tương lai Trung Quốc.

Một trong các nhận định của ông Hồ Cẩm Ðào được bình luận nhiều nhất, qua các trang đầu báo chí Trung Quốc, là lời cam kết của ông tăng gấp đôi thu nhập bình quân của Trung Quốc trước năm 2010, mà nhiều người trên mạng đã đáp lại một cách dè dặt.

Một người sử dụng mạng ở Trùng Khánh gọi lời cam kết của ông Hồ là một “trò chơi con số.” Thu nhập sẽ tăng gấp đôi, nhưng giá hàng hóa sẽ tăng gấp ba, và giá địa ốc sẽ tăng gấp 5 lần. Ông viết trên trên trang vi blog của ông rằng, “Tăng thu nhập kiểu đó thì có ích lợi gì?”

Ðể minh họa rõ hơn tình cảm này, một người sử dụng mạng có tên là “Một sự ưu việt của chế độ độc tài” đã đăng một bức hình so sánh thu nhập của nông dân Trung Quốc trong khoảng thời gian 10 năm. Kế bên các số liệu của năm 2000, là lúc thu nhập hàng năm của nông dân chỉ có 6.000 đồng nguyên, là 4 con bò mà một nông dân có thể mua lúc đó. Vào năm 2010, sau khi thu nhập hàng năm tăng gấp đôi lên tới 12 ngàn đồng nguyên, thì nông dân chỉ mua được một con bò mỗi năm.

Trong những năm gần đây, giới hữu trách Trung Quốc đã viện tới một hệ thống quản lý chặt chẽ về thông tin trên mạng, bao gồm việc kiểm duyệt các từ khóa đối với các mục tìm kiếm, chỉnh sửa nội dụng và xóa bỏ những ngôn từ chống đảng trên mạng.

Ông Lý Thừa Bằng, một nhà văn có nhiều thế lực với hơn 6 triệu người theo dõi trên Weibo, đã nhiều lần đăng một thông điệp tích cực về cuộc họp nói rằng “Hân hoan chào mừng đại hội đảng lần thứ 18.”

Ông viết, như một cách vừa để thừa nhận có kiểm duyệt trên mạng, vừa chế nhạo sự kiện này: “Có nhiều phần chắc là câu này sẽ không bị xoá bỏ.”

Một bài xã luận trên tờ Hoàn Cầu Thời báo, một nhật báo do nhà nước sở hữu thường cung cấp những bài nói về các quan điển của chính giới lãnh đạo Trung Quốc, thừa nhận rằng công chúng Trung Quốc có nhiều thắc mắc và ý kiến khác nhau về con đường tương lai của đất nước, nhưng nói rằng đại hội đảng lần thứ 18 đã đưa ra câu giải đáp đích đáng cho vấn đề Trung Quốc nên tiến tới ra sao.

Bài xã luận viết: “Chúng tôi nghĩ rằng nhiều tiếng nói, kể cả những tiếng nói cực đoan đều có quyền tiếp tục tồn tại ở Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc cần có một sự đồng thuận có liên quan đến con đường chủ nghĩa xã hội với các đặc điểm Trung Quốc, không phải chỉ là ngôn từ chính thức, không phải chỉ là một khẩu hiệu, mà là con đuờng chính trị dài hạn mà dân chúng Trung Quốc đã đi đến bằng những giá to lớn. Nó đã đem lại sự thịnh vượng vĩ đại và tất cả những loại hy vọng, do đó chúng ta phải quý trọng và bảo vệ nó.”

Bài xã luận đề cập đến một câu trích dẫn trong báo cáo của ông Hồ Cẩm Ðào trong đó chủ tịch Trung Quốc cảnh báo chớ nên thay đổi khuôn mẫu hiện thời mà thiên về những khuôn mẫu cũ hay ngoại lai. Trong bài phát biểu quan trọng cuối cùng với tư cách chủ tịch nước, ông Hồ ca ngợi kết quả của 30 năm mở cửa và cải cách, và cảnh báo chống lại “chính sách đóng cửa cổ hủ và cứng nhắc và bất kỳ mưu toan nào muốn từ bỏ chủ nghĩa xã hội và đi theo một con đường sai lầm.”

Nhà lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Trung Kiệt được Tân Hoa xã phỏng vấn, giải thích thêm nhận định của ông Hồ.

“Chỉ mới cách đây 30 năm, ai dám nghĩ rằng số người Trung Quốc nhiều như thế sẽ có khả năng sở hữu một chiếc xe hơi riêng? Ðó là lý do vì sao việc thực thi cải cách và mở cửa, và con đường chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc đã đem lại một thay đổi lịch sử. Hình thành con đường này không phải là dễ dàng, do đó nó không thể bị từ bỏ hay thay đổi một cách dễ dàng.

Ông Hồ Cẩm Ðào sẽ giao lại chức vụ bí thư đảng và chủ tịch nước cho ông Tập Cận Bình, với các chính sách chưa được rõ ràng về tương lai của Trung Quốc.

So với lúc ông Hồ Cẩm Ðào lên nắm quyền, các chuyên gia phân tích nói ông Tập có phần chắc sẽ thừa kế việc lãnh đạo một quốc gia được trang bị nhiều hơn để bầy tỏ mối quan tâm và một đảng mà tính cách chính đáng, thường dựa vào việc đạt được các kết quả kinh tế, ít chắc chắn hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG