Một ngày sau khi ông trùm bất động sản Donald Trump và hiện là ứng viên tổng thống Mỹ so sánh thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc như việc Mỹ bị 'cưỡng hiếp', công chúng Trung Quốc đã phản ứng về phát biểu gây tranh cãi của ông Trump với sự mỉa mai sâu cay.
Hôm 1/5, ông Trump nói với đám đông cổ vũ ở Fort Wayne, Indiana rằng "chúng ta không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc cưỡng hiếp nước ta", khi ông đề cập đến cán cân thương mại nghiêng về hướng có lợi cho Trung Quốc.
Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên trong chiến dịch tranh cử ở Mỹ, người dẫn đầu của đảng Cộng hòa đã dùng chữ "cưỡng hiếp" để mô tả ưu thế thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ theo cách nhìn của ông, mặc dù ông đã sử dụng các từ này từ hồi đầu năm 2011 để cáo buộc Trung Quốc thao túng thương mại và tiền tệ.
Chính phủ Trung Quốc đã không có phản ứng chính thức đối với lời chỉ trích mới đây của ông Trump.
Nhưng điều đó đã không ngăn cản một số cư dân mạng Trung Quốc đả kích ông Trump, chủ yếu là mỉa mai ông.
Những lời sâu cay không kém
Một người sử dụng mạng Weibo còn gọi ông Trump là "kẻ to mồm, muốn làm cho mình nổi danh trên mạng", trong khi một người sử dụng khác nói "so sánh với cưỡng hiếp là không phù hợp. Thay vào đó, nếu nói [Trung Quốc] giải phóng Mỹ thì đúng hơn", tiếp theo là ba biểu tượng mặt cười.
Một blogger có biệt danh là Nhật ký của Kafka đã bày tỏ lo ngại về những nhận xét của ông Trump với bình luận rằng "tuyên bố mang tính chủ nghĩa cô lập của ông Trump sẽ có lợi cho chính quyền Trung Quốc, nhưng bất lợi cho nhân dân Trung Quốc" vì những chính sách như vậy sẽ tạo ra rào cản đối với hàng xuất khẩu đi Mỹ của Trung Quốc, một việc mà rốt cuộc sẽ làm tổn thương các doanh nghiệp trong nước và làm người Trung Quốc mất việc làm.
Blogger này nói thêm: "Nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc có thể đã bí mật tiếp tay cho chiến dịch tranh cử của ông Trump vì họ hoan nghênh lập trường của ông ấy là không đụng chạm đến hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc".
Hơn thế nữa, một người sử dụng Weibo đã so ông Trump với nhà cựu độc tài Đức Adolf Hitler. Người này viết một cách chế giễu rằng "Nếu ông Trump được bầu, Mỹ sẽ trở thành một quốc gia hùng mạnh hơn nữa".
Không phản đối chính thức
So với những lời bình sôi sục trên mạng, chính quyền Trung Quốc dường như im hơi lặng tiếng về lời phát biểu gây tranh cãi vào lúc dân chúng cả nước đang nghỉ lễ bảy ngày.
Truyền thông trong nước Trung Quốc trước đó đã gán cho ông Trump nhãn hiệu là người theo chủ nghĩa dân túy, một người nói năng kiểu giật gân chỉ nhằm mục đích thu hút sự chú ý của giới truyền thông.
Hôm 3/5, không có quan chức Trung Quốc nào thảo luận về việc ông Trump không tế nhị khi so sánh quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Vấn đề này cũng không xuất hiện trong các bài xã luận trên truyền thông nhà nước, kể cả Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo và Hoàn cầu Thời báo.
Chỉ có tờ Văn Hội Báo do nhà nước kiểm soát ở Hong Kong giải thích lý do đằng sau điều mà họ gọi là "hiện tượng Trump" trong bài xã luận của mình. Họ nói rằng điều đó phản ánh sự bất mãn lan tràn trong xã hội Mỹ đối với tầng lớp thượng lưu của nước này, bao gồm cả những người đang cầm quyền và có ưu thế tài chính.
Bài xã luận nói thêm hiện tượng Trump sẽ làm tăng sự chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng hòa, điều mà cuối cùng có thể sẽ làm giảm triển vọng của đảng này giành được chiến thắng trong bầu cử tổng thống.
Thủ đoạn tranh cử?
Ông Chu Phong, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, kêu gọi ông Trump kiềm chế sử dụng ngôn từ mà ông gọi là kịch tính và quá đà.
Ông Chu nói: "Tôi nghĩ rằng đó là một nhận thức rất méo mó, do ứng viên tổng thống nói ra. Nó không chỉ là cường điệu, mà cũng rất quá đà".
Vị giáo sư bác bỏ quan điểm cho rằng nhiều người ở Trung Quốc đang xem ông Trump như một trò đùa vì người có hy vọng thành tổng thống này vốn là một doanh nhân rất thành công, nên ông phải biết rằng sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước là kết quả của toàn cầu hóa, phân công lao động và các lợi thế kinh tế.
Tuy cảm thấy thú vị khi xem sự phân cực thể hiện ra sao trong chiến dịch tranh cử, vị giáo sư Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về vấn đề những phát biểu của ông Trump sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai kinh tế của Trung Quốc với Mỹ vào thời điểm mà Trung Quốc bị loại khỏi các cuộc bàn thảo về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đứng đầu.
Ông nói: "Chúng tôi nhận thức rõ về quan điểm và các ý kiến hướng nội của ông Donald Trump. Chúng tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ rất hữu ích cho sự hội nhập kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh".