Hôm 3/6, Bộ Công an Việt Nam ra mắt phần mềm quản lý các hoạt động từ đăng ký thành viên, cúng dường, đến khai báo địa điểm sinh hoạt tôn giáo, thụ giới của các tăng, ni và phật tử. Động thái này khiến giới hoạt động cho tự do tôn giáo thấy quan ngại.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) thuộc Bộ Công an hôm 3/6 phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức chương trình đào tạo thí điểm hệ thống phần mềm quản lý tăng ni phật tử, truyền thông trong nước tường thuật.
Ngoài việc giới thiệu tổng quan về ứng dụng VNPhattu, các cán bộ C06 cũng hướng dẫn các tăng ni, phật tử cài app này, thực hành nhập, xử lý hồ sơ, khai báo thông tin... trên ứng dụng, hệ thống, báo Tuổi Trẻ Online đưa tin.
Phát biểu tại buổi ra mắt ứng dụng tại chùa Đại Thành, thành phố Bắc Ninh, đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Ccc trưởng Cục C06, nói rằng thời gian qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam “luôn đồng hành” cùng lực lượng Công an nhân dân trong việc giữ gìn, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Ông nói thêm rằng giáo hội này còn hỗ trợ tuyên truyền việc “tuân thủ quy định pháp luật nhà nước, tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm tại nơi cư trú”.
Theo C06, hệ thống quản lý này có 3 phân hệ: ứng dụng di động cho phật tử, phần mềm quản lý tăng ni, và phần mềm quản lý hành chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trong ứng dụng di động cho phật tử, người đăng nhập vào ứng dụng này thông qua tài khoản VNeID - tài khoản định danh điện tử thay thế cho thẻ căn cước, đăng ký ghi danh phật tử, đăng ký quy y tam bảo; xem thông tin hành chính giáo hội, tin tức, sự kiện, các ngày lễ Phật giáo, nghe giảng pháp.
Phần mềm quản lý tăng ni có các chức năng như quản lý phật tử, tăng ni; quản lý hồ sơ thụ giới, hồ sơ thuyên chuyển nội tỉnh, hồ sơ thuyên chuyển ngoại tỉnh, hồ sơ xuất gia... Trong khi đó, phần mềm quản lý hành chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm các chức năng như xem thông tin cá nhân dành cho tăng ni, hồ sơ điện tử, tra cứu hồ sơ, vẫn theo báo Tuổi Trẻ.
Trang Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 3/6 nêu nhận định rằng ứng dụng mới này không những “giúp giảm thiểu công việc hành chính cho các chư vị tăng ni, giúp nâng cao hiệu quả công việc”, mà còn “hỗ trợ phương thức trực tuyến giảng pháp đến công chúng, qua đó góp phần vào khối đại đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, cùng với chính quyền các cấp xây dựng phát triển đất nước văn minh”.
Trang Giác Ngộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đưa tin về việc triển khai ứng dụng VNPhattu, khẳng định rằng ứng dụng này được kết nối với Trung tâm dữ liệu Quốc gia. Trang này cho hay ứng dụng này được phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Trong khi đó giới tranh đấu cho tự do tôn giáo Việt Nam bày tỏ quan ngại về sự “quản lý quá chặt chẽ” của Bộ Công an đối với các sinh hoạt tôn giáo của công dân, và sự “bắt tay có chủ ý” của chính quyền với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức được cho là nhận được sự hậu thuẫn của nhà nước.
“Công an kết hợp với các chức sắc tôn giáo để thống trị, kìm kẹp, nắm giữ con người. Họ sử dụng tôn giáo để nắm quần chúng. Những vị chức sắc đó cũng vì quyền lợi mà làm theo mệnh lệnh của chính quyền... Điều này tôi rất buồn”, Hòa thượng Thích Không Tánh thuộc Tăng đoàn giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - một tổ chức không được chính quyền công nhận - nêu nhận định cá nhân với VOA hôm 3/6.
Từ bang Virginia, Hoa Kỳ, ông Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành của tổ chức BPSOS, một tổ chức phi chính phủ chuyên vận động cho tự do tôn giáo Việt Nam, nhận xét với VOA rằng ứng dụng mới này cho thấy sự can thiệp “ngày càng sâu” và “đi quá xa” của chính quyền đối với sinh hoạt tôn giáo của người dân.
“Họ không những muốn kiểm soát từng vị tăng, ni một thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam - giáo hội của nhà nước- mà họ còn muốn kiểm soát cả phật tử và tất cả các sinh hoạt của phật tử như cúng dường, quy y tam bảo, sinh hoạt ở chùa nào, di dời địa điểm sinh hoạt cũng khai báo... Đây là sự kiểm soát hết sức nghiêm ngặt”, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói.
“Trên thế giới, ngay cả Trung Quốc, cũng chưa có sự kiểm soát như vậy, ngoại trừ tại Tây Tạng”, vẫn lời ông Thắng.
Nhà lãnh đạo BPSOS kêu gọi rằng cộng đồng quốc tế cần lên tiếng báo động về động thái này của Hà Nội trước việc “kiểm soát quá chặt chẽ” của chính quyền đối với các tăng ni, phật tử trong nước, cũng như các nguy cơ đối với các tăng, ni không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và không được chính quyền công nhận.
Truyền thông trong nước đưa tin rằng sau giao đoạn sử dụng thí điểm ở tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Thái Nguyên, ứng dụng này sẽ được “triển khai mở rộng ra toàn quốc”.
Cục C06 cũng yêu cầu người sử dụng hệ thống quản lý này “phải tuân thủ mọi quy định của nhà nước về bảo vệ thông tin cá nhân”, theo báo Tiền phong.
Diễn đàn