Mấy ngày nay dư luận toàn cầu xôn xao về chuyện Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị thử bom hạt nhân. Ảnh vệ tinh cho thấy những hoạt động khác thường xung quanh căn cứ Punggye Ri trong tỉnh Bắc Hamgyong, nơi đã diễn ra cuộc thử thứ nhất – năm 2006, và cuộc thử thứ hai – năm 2009.
Cái chế độ cộng sản độc đảng còn sót lại này có kiểu xử sự không giống ai. Họ cứ rêu rao thử bom hạt nhân mỗi khi muốn lên gân dọa nạt dân trong nước và làm giá cao với thế giới, khi thì muốn ăn vạ, mặc cả với thế giới để vòi vĩnh viện trợ cho không.
Hai lần trước, sau khi tiến hành thử nghiệm hạt nhân, Bình Nhưỡng úp mở không hề nói kết quả thử ra sao, bom to hay nhỏ, nhưng đều gián tiếp chịu ngừng thử để được nhận 2 triệu tấn lương thực và 2 triệu tấn dầu thô cho các nhà máy cạn dầu và cho hàng hàng chục triệu bụng dân đói.
Lần này, cảm thấy lòng dân, binh sỹ, nội bộ đảng cầm quyền không yên khi lãnh tụ Kim Jong Il phong cho con thứ 3 mới 27 tuổi cùng cô em gái làm đại tướng 4 sao, thấy cả thế giới đàm tiếu về chuyện nhố nhăng này, cho đến ông bạn láng giềng lớn cũng lúng túng khó xử, chế độ Bắc Triều Tiên lại dở ra chuyện thử bom hạt nhân để dọa dân họ và làm giá để thương lượng với thế giới.
Lần này thì công luận quốc tế rất lo âu. Một số báo lớn ở Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp…cho rằng đây không phải là chuyện nhỏ, không thể coi thường được.
Một số nhà bình luận nổi tiếng nhất nhắc đến lý luận và hiện tượng Thiên nga đen – Theory and Event of Black Swan - để bàn luận về bom hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Trong các Bách khoa Toàn thư, từ điển Wipikedia mấy năm nay xuất hiện danh từ kép Thiên nga đen, với định nghĩa và dẫn chứng ngày càng phong phú.
Nội dung chính của Thiên nga đen là để chỉ một hiện tượng cực kỳ hy hữu, đơn lẻ, rất khó phán đoán và báo trước, bất ngờ xảy ra thật, rồi biến mất.không theo một quy luật nào cả.
Hiện tượng như thế có thể diễn ra cả trong chính trị, kinh tế, tàì chính, nghệ thuật…Các nhà nghiên cứu cho rằng việc bùng nổ Thế chiến I năm 1914, cuộc khủng bố 11-9-2001, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây là những hiện tượng Thiên nga đen.
Sở dĩ đặt ra cái tên ngộ nghĩnh Thiên nga đen vì từ thượng cổ đến nay, đã là thiên nga thì đều là thiên nga lông trắng toát hoặc lông màu hồng nhạt. Đã có biết bao bài thơ văn, điệu múa, bài nhạc tả con Thiên nga, bầy Tuyết nga hay bầy Hồng nga làm đẹp cho cuộc sống văn hóa của thế giới.
Thế mà hồi thế kỷ 17, vào năm 1697 một con thiên nga lông đen nhánh xuất hiện ở một địa điểm phía tây của nước Úc, để lại vết tích rõ ràng, rồi biến mất.
Năm 2007 nhà văn kiêm triết gia người gốc Li Băng Nassim Nicholas Taleb (sinh năm 1960) viết một cuốn sách dày bàn về lý luận và hiện tượng Thiên nga đen, rât được chú ý.
Dư luận thế giới gần đây không phải chỉ bàn về những cuộc thử bom hạt nhân của Bắc Triều Tiên, mà vấn đề lớn hơn, đó là sự sụp đổ của chế độ đảng trị kỳ quặc ở nước đó, được ví như hiện tượng Thiên nga đen có khả năng xảy ra trong thời gian sắp tới.
Rất khó phỏng đoán nó sẽ xảy ra bao giờ, và như thế nào. Đây là 2 vấn đề thách đố các nhà bình luận chính trị quốc tế, xem ai có những dự cảm và dự đoán gần với sự thật sẽ xảy ra nhất.
Trong những chế độ mang danh Cộng sản còn sót lại ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Triều Tiên thì Bắc Triều Tiên là mong manh nhất. Nhưng nó sẽ sụp đổ bao giờ thì thật khó phỏng đoán.
Đã có một số dự đoán nó sẽ sụp đổ như thế nào.
Hoặc là khi những «con đê công an, cảnh sát và quân đội» ngăn chặn những dòng người như nước lũ, bị vỡ, hàng triệu nhân dân đói khổ, bất mãn, tràn xuống phía Nam, tràn qua giới tuyến quân sự, vì sức hút tự do, no ấm của Nam Triều Tiên là không có gì cản nổi. Miền Nam có dân chủ, có nhân quyền, có tự do báo chí, tư do tôn giáo. Thu nhập tính theo đầu người trong năm qua của Nam Triều Tiên cao gấp 15 lần Bắc TriềuTiên (27.000 đôla /1.800 đôla).
Nhưng sự kiện như thế có dễ dàng, thuận lợi hay không? Ngay nhà cầm quyền và nhân dân Nam Triều Tiên có trông đợi một diễn biến như thế không? Chế độ Nam Triều Tiên có thừa cơ hội như thế để thống nhất đất nước không? Hay là họ ngần ngại vì nhiều lẽ, sẽ là một gánh nặng ghê gớm, kéo lùi sự phát triển của Nam Triều Tiên xuống hàng chục năm, như ở nước Đức sau khi thống nhất? Phản ứng của Trung Quốc, của Mỹ, của Nhật Bản khi xảy ra sự kiện trên sẽ ra sao? thái độ các nước châu Á, thế giới và Liên Hợp Quốc sẽ như thế nào? Tình hình sẽ ngả ngũ ra sao?
Hoặc là khi sự đói khổ đạt đến tận cùng, lũ lụt, hạn hán, mất mùa, chết đói hàng loạt, sự bất mãn của dân chúng lên đến cao điểm, dân miền Bắc Triều Tiên theo hướng phía Bắc rủ nhau tràn qua sông Áp Lục, như từng tràn qua hàng chục năm nay, vào đất Đông bắc Trung Quốc và cả phía Đông của nước Nga, không phài hàng vạn mà hàng triệu con người, vì dù sao ở đó cũng dễ thở hơn, no ấm hơn. Khi ấy Trung Quốc có sẽ tận dụng thời cơ để bành trướng và thôn tính Bắc Triều Tiên không? Và thái độ Nam Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản, nước Nga và các nước khác sẽ ra sao?
Còn đối với nhà máy hạt nhân và cơ sở sản xuất bom hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ ra sao? ai sẽ quyết định số phận của chúng, ai sẽ kiểm soát và chiếm lĩnh? Có thể xảy ra xung đột, va chạm quyền lợi giữa những nước nào? và sẽ ngả ngũ ra sao?
Và ngay trước mắt, nếu như Bắc Triều Tiên vẫn cứ ngang ngược thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba, kiện toàn bom hạt nhân thì sẽ bị trừng phạt ra sao? nhất là cậu «Ủn» từng liều lĩnh lái xe Mercedès khi lên 7, nốc rựơu mạnh khi lên 10 và và cô «Huổi» từng bướng bỉnh cải lời cha và lãnh tụ tôi cao trong chuyện lấy chồng, nay đã là đại tướng 4 sao nắm vận mệnh quốc gia, với bom hạt nhân trong tay, an ninh thế giới gặp nguy cơ không nhỏ, và thế giới sẽ phản ứng cụ thể ra sao đây?
Đây đúng là một con Thiên nga đen. Hy hữu, khó dự đoán được rõ cho mọi trường hợp, nhưng vẫn có thể xảy ra rất bất ngờ, chưa ai dự đoán được cụ thể diễn biến, kéo dài và kết thúc như thế nào.
Một vấn đề nóng bỏng của thế giới, liên quan đến an ninh mọi nước, mọi người, rất mong được các nhà bình luận dày dạn kinh nghiệm lên tiếng luận bàn cho ra lẽ.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.