Các cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, Hàn quốc và Nhật Bản cuối tuần qua đã gặp nhau để bàn về Triều Tiên và việc “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên,” Dinh Ngói xanh của Hàn quốc ngày 19/3 nói.
Cuộc họp hai ngày cũng có thể giúp chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.
Đây là sự kiện mới nhất trong một loạt các hoạt động ngoại giao trải dài từ châu Á, Hoa Kỳ và châu Âu trước những hội nghị thượng đỉnh được dự trù của Triều Tiên với Hàn quốc và Hoa Kỳ.
Cố vấn an ninh quốc gia Hàn quốc Chung Eui-yong đã gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster và cố vấn an ninh quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi, để thảo luận về hội nghị thượng đỉnh giữa Kim Jong Un và Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in. Dinh Ngói Xanh tại Seoul nói.
Các cố vấn an ninh quốc gia này cũng thảo luận về cuộc gặp có thể diễn ra giữa ông Trump và ông Kim.
Cố vấn an ninh quốc gia thuộc 3 nước thảo luận về “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên,” và đồng ý là “điều quan trọng là không lập lại những sai lầm trong quá khứ” và làm việc chặt chẽ với nhau, Dinh Ngói Xanh nói.
Trong một tuyên bố, Tòa Bạch Ốc cũng đề cập đến việc tránh những sai lầm trong quá khứ và nói thêm là các cố vấn gặp nhau để thảo luận về việc phi hạt nhân hóa “vĩnh viễn” Bán đảo Triều Tiên.
Ngày Chủ Nhật 18/3, một nhà ngoại giao cao cấp của Triều Tiên đã lên đường đi Phần Lan để thảo luận với các giới chức Hoa Kỳ và Hàn quốc, Thông tấn xã Yonhap của Hàn quốc loan tin.
Việc này tiếp theo sau 3 ngày thảo luận giữa hai Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên và Thụy Điển về tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.
Thụy Điển đề cập nhiều đến vấn đề người Mỹ bị giam tại Triều Tiên trong các cuộc thảo luận giữa hai bộ trưởng ngoại giao, đài truyền hình CNN đưa tin vào ngày Chủ Nhật 18/3, nêu lên những nguồn tin ẩn danh biết về những cuộc thương thuyết này.
Triều Tiên đang theo đuổi chương trình hạt nhân và phi đạn bất chấp những chế tài của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và không dấu diếm về kế hoạch phát triển một phi đạn có khả năng bắn tới đất liền Mỹ.