Truyền thông chính thống của Việt Nam hôm 31/10 đồng loạt đưa tin và hình ảnh ông Phạm Nhật Vượng, chủ tập đoàn Vingroup, chứng kiến một lễ ký kết tại Nhật Bản sau khi Bộ Công an tái khẳng định tỷ phú giàu nhất Việt Nam không bị cấm xuất cảnh.
Lễ ký diễn ra hôm 30/10 tại Osaka giữa hãng VinFast thuộc Vingroup và hãng công nghệ CATL có trụ sở chính ở Trung Quốc về hợp tác chiến lược toàn cầu nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển xe điện, theo các bản tin của Đài VOV và báo Tuổi Trẻ.
Tin tức kể trên được loan ra chỉ 2 ngày sau khi Bộ Công an Việt Nam lại một lần nữa lên tiếng phủ nhận điều mà họ gọi là “tin đồn thất thiệt” liên quan đến tập đoàn Vingroup và khẳng định rằng tỷ phú Phạm Nhật Vượng không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh.
Tin đồn về việc ông Vượng, người giàu nhất Việt Nam và là chủ tịch tập đoàn Vingroup, bị cấm không được đi ra khỏi Việt Nam xuất hiện từ đầu tháng 7. Khi đó, Bộ Công an đã rất nhanh chóng bác bỏ thông tin này và đưa ra danh tính của một trong 10 người mà Bộ này xác định là “tung tin đồn” về ông Vượng.
Sau gần 4 tháng, trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 29/10, trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Công an, tiếp tục phủ nhận các tin đồn này, theo truyền thông trong nước.
“Đến giờ phút này có thể khẳng định ông Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn Vingroup không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh”, ông Xô được Thanh Niên trích lời nói tại buổi họp báo.
Người phát ngôn của Bộ Công an còn nói rằng “nên bảo vệ các hoạt động bình thường của doanh nghiệp, để phát triển kinh tế và ổn định xã hội”.
Các tin đồn về việc ông Vượng bị cấm xuất cảnh hồi đầu tháng 7 lan truyền trên mạng xã hội và gây ảnh hưởng đến giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam lúc đó. Các mã cổ phiếu của tập đoàn Vingroup giảm mạnh nhưng phục hồi trở lại sau khi Bộ Công an bác bỏ thông tin được cho là thất thiệt.
Không chỉ riêng tin đồn liên quan đến tập đoàn Vingroup, các vụ bắt giữ gần đây đối với các tỷ phú và lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất Việt Nam như Vạn Thịnh Phát, FLC, Tân Hoàng Minh cũng đã gây chao đảo thị trường chứng khoán của quốc gia Đông Nam Á.
Không lâu sau khi tỷ phú Trịnh Văn Quyết của Tập đoàn FLC bị bắt giữ, trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam mở rộng từ bộ máy hành chính sang các lãnh đạo doanh nghiệp, Reuters cho biết chứng khoán Việt Nam bị “xoá sổ” 40 tỷ USD, làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư.
Với nỗ lực nhằm trấn an công luận, ông Xô nói tại cuộc họp báo hôm 29/10 rằng “hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn, đều hoạt động ổn định, bình thường”.
“Hoạt động của Vingroup rất ổn định, bình thường”, ông Xô nhấn mạnh, được Lao Động dẫn lại. “Đây là một trong những doanh nghiệp đóng thuế rất lớn cho nhà nước, số tiền đóng thuế là 127.000 tỷ dồng trong thời gian vừa qua”.
Hồi giữa tháng 8, một bài viết của Tạp chí Doanh nghiệp & Kinh tế xanh cho biết rằng tập đoàn Vingroup, hiện đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện ở Mỹ, đang gánh một khoản nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng và bị xử lý vi phạm về thuế. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ đăng tải, bài báo với tiêu đề “Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nợ cực ‘khủng’” bị xóa ngay khỏi các trang mạng trong nước.
Hai ngày sau khi Bộ Công an bác bỏ thêm một lần nữa tin đồn về ông Vượng và khẳng định về sự ổn định của Vingroup, VietNamNet đăng một bài báo về doanh thu của tập đoàn này trong các lĩnh vực kinh doanh của họ. Tờ báo này cho biết Vingroup có doanh thu thực tế là 88.191 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay và báo lợi nhuận sau thuế là 1.571 tỷ đồng.
Theo người phát ngôn của Bộ Công an cho biết trong buổi họp báo mới đây, các thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp làm ăn chính đáng, tôn trọng pháp luật.
“Ví dụ, có thông tin nhân vật này của tập đoàn này, hay nhân vận kia của tập đoàn kia đang bị theo dõi hay đang bị nằm trong tầm kiểm soát”, ông Xô nói.
“Tin đồn” – theo cách dán nhãn của nhà chức trách Việt Nam – thường xuất hiện và lan truyền trên mạng xã hội ở quốc gia Đông Nam Á, nơi Đảng Cộng sản kiểm soát truyền thông thông qua các cơ quan quản lý nhà nước.
Sau vụ bắt giữ tỷ phú Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chính phủ Việt Nam cũng đang tìm cách kiểm soát thông tin xung quanh “tin đồn” về những cái chết bất thường của những người liên quan đến tập đoàn này. Tờ Singapore Post còn đưa ra giả thuyết rằng ba người thuộc tập đoàn này đã bị gián điệp Trung Quốc diệt trừ để cứu bà Lan.
Nói với báo chí hôm 29/10, ông Xô cho rằng sau khi vụ án liên quan đến Vạn Thịnh Phát bị khởi tố, “có nhiều thông tin trên mạng cả trong và ngoài nước, có những tin tức thất thiệt, sai sự thật, tin mang tính chủ đích xấu để làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, hoạt động của các doanh nghiệp”.
Người phát ngôn Bộ Công an còn nói rằng các lực lượng chức năng trong thời gian tới sẽ “tiếp tục làm mạnh, xử lý các vấn đề liên quan tới tung tin thất thiệt, tung tin xấu ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế, chứng khoán, ngân hàng”.
Diễn đàn