Trong thời đại tin học, mỗi ngày trung bình chúng ta tiêu thụ số lượng thông tin bao nhiêu? Mỗi ngày quý vị dành bao nhiêu thì giờ đọc, nghe, xem, từ truyền hình đến truyền thanh, báo chí, sách v.v…?
Hiện nay thì chưa có cuộc nghiên cứu nào. Nhưng cách đây 12 năm, vào cuối năm 2009, Đại học California, San Diego đã cho phổ biến kết quả của cuộc nghiên cứu có tên “Bao nhiêu thông tin?” (The How Much Information?). Vào thời điểm đó, mỗi ngày trung bình người Mỹ tiêu thụ lượng thông tin bao gồm 34GB và 100,000 chữ. Chơi game trên Computer chiếm tỷ lệ dữ liệu (data) cao nhất, trung bình 18.5 GB mỗi ngày. Khoảng 80% dân số chơi một game nào đó, kể cả trên mạng xã hội. Về thời gian thì xem Tivi chiếm tỷ lệ cao nhất, 41%. Người Mỹ trung bình tiêu thụ 100,000 chữ trên TV, báo chí, mạng, âm nhạc và những thứ khác. Để tiện so sánh thì tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa bình” của Leo Tolstoy có khoảng 460,000 chữ. Sau Tivi thì thời gian sử dụng mạng chiếm thứ nhì, 16%. Tính từ năm 1980 đến 2008, gần 30 năm, số lượng tiêu thụ thông tin mỗi năm tăng 6%, tổng cộng gia tăng 350% trong 28 năm đó. Chỉ tính năm 2008 thôi thì nước Mỹ tiêu thụ 3.6 zettabytes thông tin (mỗi zettabyte là một tỷ ngàn tỷ byte, tức 3.6x1021, 10 mũ 21). Theo ước lượng thì 1 zettabyte là bằng khoảng 100 tỷ cuốn sách trong Thư viện Quốc hội Mỹ, hay nếu trãi trên mặt đất thì có 7 tầng sách phủ toàn bộ nước Mỹ và Alaska.
Số lượng tiêu thụ thông tin và dữ liệu như thế quả thật là khủng khiếp.
Lúc đó cuộc nghiên cứu dựa vào số lượng ước đoán khoảng trăm triệu Tivi và 50 triệu điện thoại thông minh (smartphones). Bây giờ, 12 năm sau, con số này chắc khác nhau nhiều. Con số mới nhất từ Statista vào tháng Tư năm 2021 cho biết, Mỹ đang có khoảng 290 triệu người dùng smartphone. Số lượng Tivi thì thống kê có khác nhau. Một bài viết vào năm 2016 trên The Washington Post ước đoán, với dân số Mỹ lúc đó là 323 triệu, nhưng vào năm 2013 đã có 338 triệu Tivi. Nghĩa là số lượng Tivi còn nhiều hơn dân số Mỹ. Theo The National Interest thì Smart TVs chiếm 82% thị trường truyền hình Mỹ vào năm 2021. Với 5G, HD hoặc 4K truyền hình, và với số lượng smartphones như tại Mỹ hiện nay, thì số lượng tiêu thụ thông tin (information) và dữ liệu (data) hẳn đã gia tăng đáng kể trong 12 năm qua, kể từ cuộc nghiên cứu năm 2008 nói trên.
Tuy đây là nghiên cứu về nước Mỹ, nó cũng là hiện tượng phổ biến toàn cầu trong thời đại tin học này.
Câu hỏi đáng đặt ra ở đây là liệu thông tin nhiều hơn có mang lại hữu ích hơn cho đời sống con người, giúp chúng ta hiểu biết hơn không?
Theo nghiên cứu của Jaak Panksepp, một trong những người đi đầu về khoa học thần kinh tình cảm (affective neuroscience), con người, và động vật, đều có óc tò mò. Đặc tính này giúp cho con người tìm tòi, học hỏi, nhất là những điều mới lạ. Pankseep cho biết có bảy hệ thống cảm xúc trong não của động vật và con người, bao gồm tìm kiếm (ám chỉ sự nhiệt tình và tò mò), ham muốn, quan tâm và vui chơi, tất cả đều gợi lên trạng thái tích cực; còn thịnh nộ, sợ hãi và hoảng hốt, tất cả liên quan đến trạng thái tiêu cực. Các hệ thống tích cực, như tìm kiếm và vui chơi, kích thích bộ não thải ra chất “nghiện” (opioid), như kiểu thuốc phiện, khắp não. Ngược lại, các hệ thống tiêu cực, chẳng hạn như hoảng hốt, có tác động ngược lại. Pankseep nói: “Nỗi buồn và sự trầm cảm của con người là những trạng thái có hàm lượng opioid thấp.” Điều này giải thích vì sao người ta có thể nghiện mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube v.v… Những người có Smartphone cứ thường xuyên muốn xem có gì mới không, nhất là trên trang mạng của mình. Nhưng như thế nó cũng dễ làm cho người ta sao lãng, khó tập trung.
Thông tin thời đại nay tràn ngập, và thay đổi không ngừng, ở tốc độ ánh sáng. Nhưng phần lớn các tin tức trên truyền hình, truyền thanh, báo chí là tin “xấu”, tin tiêu cực. Theo một bài viết trên BBC vào tháng Bảy năm 2014, một nghiên cứu tâm lý cho biết những người quan tâm hơn đến các vấn đề thời sự và chính trị lại đặc biệt có xu hướng chọn tin xấu. Theo một bài báo trên Los Angeles Times vào tháng 9 năm 2019, trích dẫn một nghiên cứu mới nhất lúc đó, thì lý do có vô số tin xấu hiện hữu là vì người ta thấy tin xấu thu hút, thú vị hơn tin tốt. Gần đây nhất, một bài trên The New York Times vào tháng Ba năm 2021 cho biết các cơ quan truyền thông chọn các khía cạnh xấu, tiêu cực, của Covid-19 để đưa tin, cho dù lúc đó có những nơi tình hình Covid-19 khá hơn, hay tin về vaccine lạc quan hơn. Nhưng giới truyền thông, lẫn người tiêu thụ, vẫn chủ yếu muốn nghe điều tiêu cực hơn. Nghiên cứu cho thấy người ta đọc và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội các tin tức tiêu cực nhất.
Phải chăng vì thiên hướng này mà giới truyền thông chọn đưa tin tiêu cực nhiều hơn để đáp ứng thị hiếu của người tiêu thụ?
Tự trong tiềm thức, con người có xu hướng muốn biết tin xấu, tiêu cực để chẩn đoán cho tình huống xấu nhất có thể cho sự sống còn. Khi lo sợ, con người tập trung để ý đến những thông tin liên quan đến các mối đe dọa. Đó là bản năng sinh tồn tự nhiên từ ngàn xưa để tồn tại trước mọi hiểm nguy. Nhưng khi con người tập trung vào các thông tin xấu như thế, mức độ lo lắng của chúng ta sẽ tăng lên. Đây là một vòng luẩn quẩn.
Nói cách khác, trong thời đại thông tin tràn ngập, thần tốc, mà phần lớn lại là tin xấu, và trong thời điểm lắm bất định như đại dịch Covid-19 hiện nay, nó có thể làm cho bất cứ ai trong chúng ta cảm thấy bất an hơn, và choáng ngợp hơn. Nếu không ý thức, nó có thể ảnh hưởng vô cùng tai hại đến sức khoẻ tinh thần của mỗi người.
Ngôn từ vừa có sức nối kết hàn gắn, nhưng cũng có sức tàn phá chia ly. Tác hại của những thông tin tiêu cực, cộng với những ngôn từ gây đổ vỡ, là khủng khiếp. Do đó, nó cũng là điều mà tất cả chúng ta nên tránh. Cho nên không có gì ngạc nhiên, nếu trong mọi thời đại, ngay cả trước thời đại tin học này, người ta đi tìm nơi yên tĩnh để vui sống hoặc tu thân. Những ai không thể tách mình ra khỏi giòng đời này vào lúc này thì nên bớt tiêu thụ thông tin có khả năng làm mình choáng ngợp và căng thẳng. Biết vừa đủ để biết phải làm gì, nhưng tiêu thụ nhiều quá mà không tiêu hóa thì nó chỉ làm hại thêm não trạng của chúng ta.
Tuy vậy, trong mọi tình huống, tình yêu thương, bao dung và hy vọng luôn là liều thuốc bổ.