Đường dẫn truy cập

Cơ quan LHQ: Cần hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng


Một người chuẩn bị thức ăn ở Kyiv, Ukraine, ngày 3/3/2022.
Một người chuẩn bị thức ăn ở Kyiv, Ukraine, ngày 3/3/2022.

Xung đột, thời tiết khắc nghiệt và các cú sốc kinh tế đã làm tăng số người đối mặt với khủng hoảng lương thực thêm 20% lên 193 triệu người vào năm ngoái và dự báo sẽ xấu hơn nữa nếu không có hành động khẩn cấp “trên quy mô lớn”, Reuters dẫn báo cáo hôm 3/5 của một cơ quan nhân đạo LHQ cho biết.

Mạng lưới Toàn cầu Chống Khủng hoảng Lương thực (GNAFC) do Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu thành lập, cho biết trong báo cáo hàng năm rằng tình trạng mất an ninh lương thực đã tăng gần gấp đôi trong sáu năm kể từ năm 2016 khi tổ chức này bắt đầu theo dõi.

Báo cáo của GNAFC cho biết: “Dự báo cho tương lai là không tốt”.

“Hành động nhân đạo khẩn cấp là cần thiết trên quy mô lớn để ngăn chặn điều đó xảy ra”, báo cáo viết.

Đã có thêm 40 triệu người, tăng 20%, bị rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở mức khủng hoảng hoặc tệ hơn vào năm ngoái, theo định nghĩa trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng là bất kỳ tình trạng thiếu lương thực nào đe dọa cuộc sống, sinh kế hoặc cả hai trường hợp.

Trong tương lai, báo cáo cho biết cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine - cả hai nước đều là nhà sản xuất lương thực lớn – sẽ gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là ở các nước khủng hoảng lương thực bao gồm Afghanistan, Ethiopia, Haiti, Somalia, Nam Sudan, Syria và Yemen.

Năm 2021, Somalia nhập hơn 90% lúa mì từ Nga và Ukraine, Cộng hòa Dân chủ Congo nhập 80%, trong khi Madagascar nhập khẩu 70% lương thực chính từ hai nước này.

Báo cáo cho biết: “Các quốc gia đang đối mặt với mức độ đói cấp tính đặc biệt dễ bị tổn thương bởi (chiến tranh) do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực và tình trạng dễ bị tổn thương trước các cú sốc giá lương thực toàn cầu”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG