Một bé gái mất nhà, có cả cha mẹ và anh trai rơi vào vòng lao lý vì chống lại lực lượng thu hồi đất mà em cho là bất công, nói em chỉ mong trở lại cuộc sống bình thường và đang làm tất cả những gì có thể để gia đình được đoàn tụ.
Sự việc liên quan tới gia đình em Nguyễn Mai Thảo Vy rộ lên hồi tháng Tư vừa qua trong vụ phản kháng cưỡng chế đất đai ở huyện Thạnh Hóa, Long An.
Hơn một chục người bị bắt, trong đó có ba mẹ của em Vy, và 4 tháng sau, mới đây, ngày 6/8, anh trai của em là Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, đã bị bắt theo “lệnh truy nã”.
Vy kể với VOA Việt Ngữ: “Con cảm thấy mình giống như là bước vào con đường cùng không có lối thoát. Con tưởng cuộc đời con chấm hết rồi. Không còn cha mẹ, không còn nhà cửa. Tinh thần của con rất là suy sụp”.
Vy cho biết đã tận mắt xem “thông báo về việc bắt người đang bị truy nã” đối với anh trai mình, do công an Huyện Thạnh Hóa – tỉnh Long An ban hành, nhưng em nói trước đó, gia đình “không nhận được lệnh truy nã nào”.
Theo thông báo trên, học sinh Nguyễn Mai Trung Tuấn bị bắt “vì đã có hành vi cố ý gây thương tích, phạm vào điều 104 Bộ Luật hình sự”.
Trên mạng xã hội nhiều người lên tiếng phản đối việc truy tố và bắt giam một người dưới tuổi vị thành niên như em Tuấn.
Tuy nhiên, theo luật sư Lê Thị Công Nhân, việc bắt giữ và truy tố đối với những người ít tuổi thì luật Việt Nam có quy định tương đối rõ ràng.
Bà nói: “Luật Việt Nam quy định trường hợp ít tuổi nhất mà bị bắt giữ theo luật hình sự là 14 tuổi, là tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng chỉ đối với các tội nằm trong các nhóm rất nghiêm trọng cho tới đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng mức độ nguy hiểm và mức độ nghiêm trọng của tội không phải là yếu tố duy nhất để cơ quan thẩm quyền người ta ra quyết định bắt giữ mà người ta còn dựa vào các yếu tố khác như nhân thân của các nghi can; thái độ, tâm tính của nghi can đó; nơi ở của nghi can, nghi can ở với gia đình có nhân thân tốt hay là nghi can ở trong môi trường cũng có khả năng nguy hiểm, tiếp tục phạm tội nào đó và có thể bỏ trốn. Họ xét nhiều khía cạnh như vậy. Nếu mà nhân viên công vụ người ta làm việc khách quan, người ta phải xem xét rất là kỹ những yếu tố đó để đưa ra một quyết định bắt giữ nghi can tuổi vị thành niên”.
Em Tuấn là con trai đầu của bà Mai Thị Kim Hương và ông Nguyễn Trung Can ở tỉnh Long An.
Kháng cự
Hồi giữa tháng Tư vừa qua, cặp vợ chồng này cùng với khoảng 10 người thuộc hai hộ dân khác đã bị bắt sau khi sử dụng acid và bom xăng để kháng cự lực lượng cưỡng chế đất.
Tranh chấp bùng lên vì dự án giải phóng mặt bằng để xây dựng bờ kè ở thị trấn Thạnh Hóa. Em Nguyễn Mai Thảo Vy cho biết chính quyền “có đền bù nhưng không phù hợp với cá giá mà cha mẹ con mua”.
Trong thông báo về việc “bắt người đang bị truy nã”, công an huyện Thạnh Hóa không nói rõ “hành vi cố ý gây thương tích” của em Tuấn là gì. VOA tiếng Việt không thể liên hệ phỏng vấn với công an huyện Thạnh Hóa.
Luật sư Lê Thị Công Nhân nói về tội này: “Tội cố ý gây thương tích là một tội tương đối là phức tạp bởi vì nó liên quan tới việc giám định tỷ lệ thương tật của bị hại, của nạn nhân. Nó chia ra làm nhiều mức độ. Nhưng tỷ lệ thương tật đó nó chỉ là một phần để đi tới quyết định là hành vi phạm tội có phải là nghiêm trọng hay không bởi vì nó liên quan tới hành vi phạm tội được thực hiện như thế nào, với một thái độ cố ý đến cùng, với một sự tổ chức, với một sự xảo quyệt, với một sự tàn độc, hoặc với một động cơ đê tiện… Nó có rất nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ cố ý gây thương tích thì cứ mặc định nó là tội rất nghiêm trọng”.
Điều 104 Bộ luật hình sự có 4 khung hình phạt từ 6 tháng tù giam tới 20 năm tù hoặc tù chung thân. Tin cho hay, cha mẹ của em Tuấn cũng bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích”, nhưng không rõ là theo điều nào.
Giờ con chỉ mong muốn nho nhỏ thôi là nhà cầm quyền cộng sản thả cha mẹ con và anh hai con ra rồi trả tất cả nhà lại cho gia đình con sống bình thường.Em Nguyễn Mai Thảo Vy nói.
Dù giờ phải sống nương nhờ vào người dì, em Vy nói rằng còn nhiều người ở khắp Việt Nam “còn tội hơn gia đình con gấp trăm lần” vì “bị mất đất, mất nhà và bị cướp quyền làm người”.
Em nói tiếp: “Giờ con chỉ mong muốn nho nhỏ thôi là nhà cầm quyền cộng sản thả cha mẹ con và anh hai con ra rồi trả tất cả nhà lại cho gia đình con sống bình thường. Con chỉ mong luật pháp của Việt Nam đừng có làm trái luật mà quốc tế quy định. Nó đừng có xâm phạm nhân quyền nữa. Hàng ngày con lên Facebook con tố cáo tội ác mà Đảng Cộng sản đã cướp của gia đình con để cho Đảng Cộng sản Việt Nam mau sám hối”.
Thu hồi đất đai ở Việt Nam đã gây ra nhiều vụ đối đầu nghiêm trọng giữa người dân và lực lượng cưỡng chế.
Trước vụ liên quan tới gia đình em Vy và Tuấn, gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng dùng mìn tự thế và súng để chống lại lực lượng cưỡng chế năm 2012.
Vụ việc khiến nhiều người bị thương cũng như đẩy nhiều thành viên trong gia đình người nông dân này vào cảnh tù tội.