Hội nghị thượng đỉnh diễn ra nhân dịp đánh dấu hiệp ước Helsinki tròn 35 năm, tức là văn kiện khai sinh ra cơ cấu của tổ chức OSCE. Ngoại trưởng Clinton cùng với các đại biểu khác tại hội nghị kêu gọi tổ chức có 56 thành viên này mở rộng vai trò phát huy nhân quyền và gìn giữ an ninh khu vực.
Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của OSCE kể từ năm 1999, và cũng là hội nghị đầu tiên được tổ chức tại một nước cộng hòa Xô Viết cũ. Chính phủ Kazakhstan dùng hội nghị này để giới thiệu thủ đô mới của họ và để phô trương các thành tựu kinh tế mặc dù Kazakhstan bị dư luận rộng khắp chỉ trích về thành tích nhân quyền.
Tại một cuộc gặp gỡ với các nhà hoạt động xã hội dân sự và các sinh viên trước ngày hội nghị khai mạc, Ngoại trưởng Clinton đã lên tiếng hối thúc chính phủ các nước Trung Á mở rộng tự do dân chủ và bà đề cập đến trường hợp nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Yevgeny Zvotis đang bị giam cầm.
Trong thông điệp về chính sách đọc trước phiên họp khoáng đại, bà Clinton nói rằng tất cả các thành viên OSCE cần phải "thực hiện" các cam kết về nhân quyền mà họ đã đưa ra khi thành lập OSCE.
Bà Clinton nói: “Một hiến chương bảo đảm quyền tự do báo chí là không đủ nếu như trong thực tế các phóng viên báo chí vẫn bị gây khó khăn và thậm chí còn bị bách hại. Thực sự nếu chỉ tổ chức các cuộc bầu cử thôi thì chưa đủ. Toàn bộ tiến trình cần phải tự do và công bằng, và được OSCE quan sát. Và một khi lên nhậm chức, các giới chức công cử cần phải quản trị một cách dân chủ và phải xây dựng các định chế vững mạnh. Còn rất nhiều điều cần được liệt kê ra. Tuy nhiên chúng tôi không kêu gọi các nước tham gia tổ chức phải chấp nhận những nguyên tắc và quyền lợi gì mới, mà chỉ cần tôn trọng những cam kết hiện hữu.”
Ngoại trưởng Clinton hối thúc OSCE mở rộng vai trò trong việc ủng hộ chính phủ Afghanistan và bà nói rằng tổ chức này cần phải được tăng cường để có thể ứng phó hữu hiệu hơn với các xung đột trong nội bộ của OSCE.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ kêu gọi sớm nối lại các cuộc đối thoại nhằm giải quyết vấn đề khu vực ly khai Moldovan, Transnistria, và nối lại các nỗ lực nhằm giải quyết cuộc tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan về Nagorno-Karabakh.
Ngoại trưởng Clinton nói rằng mới đây Nga ủng hộ việc OSCE mở rộng các khả năng là một dấu hiệu đáng khích lệ, tuy nhiên bà cũng than phiền về việc Moscow ngăn cản quan sát viên của OSCE đến khu vực ly khai của Gruzia là Abkhazia và Nam Ossetia tiếp theo sau cuộc xung đột ngắn với Gruzia năm 2008.
Bà Clinton nói tiếp: "Thật đáng tiếc một chính phủ tham gia tổ chức đã đề nghị chủ trì một nhiệm vụ và OSCE lại không được phép đáp ứng. Nhiệm vụ của chúng ta đến đây là để cho OSCE phải được thực hiện vai trò của tổ chức, và khôi phục lại sự hiện diện có ý nghĩa của tổ chức này tại Gruzia. Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các bên phải tôn trọng đầy đủ và thực thi các giàn xếp ngừng bắn tháng 8 và 9 năm 2008."
Sau một cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh, bà Clinton và Ngoại trưởng Sergey Martynov của Belarus công bố một thỏa thuận theo đó Belarus với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ sẽ loại bỏ kho uranium được tinh chế ở mức cao của nước này.
Khi Hoa Kỳ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân vào tháng 4 vừa qua, Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus nói rằng nước ông có hàng trăm kilôgram nguyên liệu hạt nhân đó, và sẽ không nhượng bộ trước áp lực quốc tế để phải loại bỏ kho nguyên liệu đó.
Trong phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, gọi tắt là OSCE, ở thủ đô Astana của Kazakhstan Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton đã kêu gọi tổ chức này tăng cường vai trò trong việc giải quyết các xung đột khu vực và phát huy nhân quyền. Ngoại trưởng Clinton cũng chung quyết một thỏa thuận theo đó Belarus sẽ từ bỏ kho uranium đã tinh chế của họ. Từ Astana, thông tín viên VOA David Gollust có ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1