Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-Bak đã mở thảo luận sáng Chủ nhật tại văn phòng tổng thống ở Hán Thành.
Trong chuyến công du ở đây kéo dài 2 ngày, bà Clinton tái khẳng định sự cam kết của Washington để cải thiện quan hệ song phương với Nam Triều Tiên cũng như những hợp tác thêm nữa giữa hai nước về các quan ngại toàn cầu.
Trong những năm gần đây Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đã hợp tác chặt chẽ trong những vấn đề như hải tặc, khí hậu biến đổi và vấn đề nổi bật nhất là cuộc chiến tại Afghansitan, như lời phát biểu của ông Daniel Pinkston, Phó giám đốc Dự án Đông Bắc Á tại Hán Thành của Tổ chức Quốc tế Nghiên cứu Khủng hoảng Toàn cầu.
Ông nói: "Nam Triều Tiên vẫn trợ giúp bằng cách cung cấp các đơn vị công binh, và bằng cách huấn luyện cảnh sát và quân đội cho Afghanistan, giúp xây dựng v.v., đại khái như vậy."
Ngoại trưởng Clinton và Tổng thống Lee cũng cam kết hối thúc việc thông qua hiệp định tự do mậu dịch hiện vẫn còn phải chờ quốc hội hai nước phê chuẩn. Lên tiếng trước đó tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Hán Thành, bà Clinton nói rằng hiệp định này sẽ củng cố liên minh Mỹ-Nam Triều Tiên.
Tuy nhiên, vấn đề thúc bách nhất cho cả Hán Thành lẫn Washington vẫn là làm sao thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Các cuộc thảo luận đa phương đã bị bế tắc từ hơn 2 năm nay.
Nhưng ông Daniel Pinkston cho biết lại có một quan ngại nữa mà cả Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên cần phải đối phó. Chương Trình Lương Thực Thế Giới và các tổ chức cứu trợ khác cho biết Bắc Triều Tiên trong nay mai lại sẽ phải đối phó với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và hàng triệu người có thể bị đói kém. Ông Pinkston nói rằng hai chính phủ có thể sẽ không đồng ý về chuyện có nên giúp cho Bắc Triều Tiên hay không. Ông giải thích: "Có thể Washington và Hán Thành sẽ chia rẽ trong vấn đề đó. Phúc trình của Chương trình Lương thực Thế giới, tổ chức Lương nông và Quĩ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc công bố trong tháng trước đã cho thấy một bức tranh ảm đạm về tình hình Bắc Triều Tiên vào cuối xuân và mùa hè năm nay. Vì vậy nếu như xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Bắc Triều Tiên thì sẽ khá muộn cho việc cung cấp viện trợ."
Nam Triều Tiên từng có thời là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Bắc Triều Tiên, nhưng trợ giúp này đã chấm dứt khi Tổng thống Lee Myun -Bak nhậm chức năm 2008. Chính phủ tại đó cho tới nay vẫn nói rằng sẽ không viện trợ lương thực trở lại cho miền bắc nữa mặc dù các tổ chức nhân đạo hết sức lo ngại về tình trạng thiếu hụt lương thực ở Bắc Triều Tiên.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã kết thúc chuyến công du Nam Triều Tiên trong hai ngày. Hôm Chủ nhật, bà và Tổng thống Lee Myung-Bak đã tái khẳng định sự ủng hộ cho việc phê chuẩn một hiệp định tự do mậu dịch song phương cũng như tiếp tục hợp tác tại Afghanistan và Libya. Nhưng còn chuyện làm thế nào để Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân vẫn còn là một quan tâm chưa được giải quyết.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1