Hôm qua, bà Clinton đã khơi ra một bầu không khí chính trị sôi động tại Qatar khi đưa ra nhận định là đội Vệ binh Cách mạng Iran đang chiếm chỗ của giới lãnh đạo theo truyền thống và đưa Iran tới một chế độ độc tài.
Trong các nhận định sau đó với ngoại trưởng al-Faisal của Ả Rập Xê Út, bà Clinton cũng thẳng thừng không kém, và nói rằng tuy chính phủ ở Tehran ít ra đã là một chính phủ dân chủ và được lòng dân một phần nào đó nhưng đã có một sự chuyển biến đột ngột với những hành động trấn át sau cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi hồi tháng 6 năm ngoái.
Bà Clinton nói: “Những gì chúng ta nhìn thấy bây giờ rất lạ lùng và đáng lo ngại. Càng ngày, càng nhiều khía cạnh của xã hội Iran – bộ máy an ninh, nền kinh tế – càng nằm trong vòng kiểm soát không phải của giới lãnh đạo giáo sĩ, không phải của giới lãnh đạo chính trị, mà là trong tay của Đội Vệ binh. Tôi chia sẻ niềm hy vọng với ngoại trưởng của Ả Rập Xê Út rằng đây không phải là một sự thay đổi vĩnh viễn, mà mong rằng thay vào đó các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị có hành động để lấy lại quyền hành mà họ cần phải hành xử nhân danh người dân.”
Ngoại trưởng Clinton đã thảo luận vấn đề Iran trong các cuộâc hội đàm ở Doha với các giới chức Qatar và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Recep Erdogan đang thăm nước này. Bà Clinton đã hội ý các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út, trong đó có cuộc thảo luận trong bữa ăn trưa kéo dài trong 6 tiếng đồng hồ và một cuộc họp bàn với quốc vương Abdullah của Ả Rập Xê Út tại trại nghỉ mùa đông của ông ở bên ngoài Riyadh.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ hối thúc các nước đồng minh trong vùng Vịnh ủng hộ một đề nghị mới về các biện pháp trừng phạt của LHQ chủ yếu nhắm vào các quyền lợi của đội vệ binh Cộng hòa. Các giới chức Hoa Kỳ cho biết tổ chức vừa kể đã tạo được ảnh hưởng đối với chính sách hạt nhân của Iran vì đã giúp dập tắt được tình trạng bất ổn do những người phản đối cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.
Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út al-Faisal nói rằng rõ ràng đang có tình trạng “trấn áp” chính trị tại Iran nhưng chưa rõ liệu đây có phải là một đặc điểm cố định trong chính sự Iran hay không.
Ông al-Faisal nói rằng nếu Iran trở nên cực đoan hơn, thì điều đó có nghĩa là, theo nguyên văn lời ông, “chúng ta đang lâm vào một thời điểm khó khăn trong khu vực.”
Nhà ngoại giao Ả Rập Xê Út nói rằng các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran có thể có hiệu quả, nhưng đây là một giải pháp lâu dài. Theo ông thì các nước láng giềng của Iran trong vùng Vịnh hy vọng có một giải pháp cấp bách hơn, một giải pháp được thương nghị giữa Iran và các cuờng quốc chính trên thế giới.
Ông al-Faisal nói rằng Ả Rập Xê Út ủng hộ một vùng Trung Đông không có vũ khí có sức tàn sát hàng loạt với các tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả mọi nước, trong đó có cả Israel là nước được cho là thủ đắc một kho vũ khí hạt nhân lớn.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm qua tuyên bố bà hy vọng các nhà lãnh đạo chính mạch của Iran có thể lấy lại quyền hành từ Đội Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của nước này, mà bà cho là có nguy cơ đưa Iran tới một thể chế độc tài quân phiệt. Bà Clinton đang có mặt tại Jeddah, Ả Rập Xê Út, trong chặng dừng chân cuối cùng của chuyến công du vùng Vịnh Ba Tư, tập trung vào chương trình hạt nhân của Iran. Từ Jeddah Thông tín viên đài VOA, David Gollust, gửi về bài tường trình sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1