Ngoại trưởng Clinton nói trong một số trường hợp những chế độ áp bức sử dụng những sản phẩm theo cách thức những công ty công nghệ cao không thể thấy trước được.
Tuy nhiên bà nói trong những trường hợp khác có thể thấy được, và những công ty tư cần giữ vai trò bảo vệ tự do Internet và tránh cung cấp cho những chế độ độc tài-tại Trung Đông và các nơi khác “công cụ để đàn áp.”
Ngoại trưởng Clinton nói: “Hiện nay có những tin về chuyện các công ty bán những phần cứng và phần mềm dùng để đàn áp, cho những chính phủ độc tài. Khi những công ty bán những trang bị theo dõi cho cơ quan an ninh của Syria hay Iran, hay trước đây cho Gadhafi, chắc chắn những trang bị này được dùng để vi phạm nhân quyền.”
Bà Clinton là diễn giả chính tại hội nghị The Hague do Hà Lan bảo trợ, phát động một liên minh các quốc gia làm việc với các công ty và các tổ chức xã hội dân sự để thăng tiến Tự do Internet.
Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Uri Rothenthal nói vấn đề “sinh tư” là không để những công nghệ được phát triển tại các nước dân chủ trở thành a tòng trong việc vi phạm nhân quyền.
Ngoại trưởng Rosenthal nói: “Tôi xin dõng dạc lên tiếng tại đây là việc xuất khẩu một vài công nghệ nào đó đến một số quốc gia nào đó, đơn giản là cần phải bị cấm chỉ, nếu chúng ta biết được những công nghệ này sẽ được sử dụng để hạn chế tự do. Chúng ta lo lắng về việc phổ biến những công nghệ lọc Internet đến những môi trường áp chế. Là một chính phủ, trách nhiệm của chúng ta là ngăn ngừa việc này.”
Kết thúc chuyến viếng thăm châu Âu năm ngày, Ngoại trưởng Clinton cũng cảnh báo về những nỗ lực của các quốc gia độc tài dùng những tổ chức quốc tế để áp đặt những rào cản quốc gia đối với Internet-thay thế sự hợp tác lỏng lẻo công-tư hiện đang quản trị lãnh vực này.
Bà Clinton nói: “Nếu chúng ta không cẩn thận, những chính phủ có thể lật ngược khung quản lý Inernet hiện hành, tìm cách tăng cường việc kiểm soát của họ. Một số chính phủ sử dụng vấn đề quản lý Internet như là một bình phong che đậy để thúc đẩy một kế hoạch có thể biện minh cho việc hạn chế nhân quyền áp dụng trên mạng. Chúng ta phải cảnh giác trước những kế hoạch như thế và thống nhất trong việc chia sẻ những nhận thức của chúng ta là nhân quyền cũng phải được áp dụng trên mạng. ”
Ngoại trưởng Clinton không nêu rõ những quốc gia nào có một kế hoạch như vậy. Tuy nhiên những phụ tá nói bà đề cập đến, trong số những chuyện khác, một đề nghị về “luật ứng xử” về an ninh thông tin được Nga, Trung Quốc, Tajikistan và Uzbekistan đưa ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trước đây trong năm.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói những chính phủ dựng lên những chướng ngại ngăn chận tự do Internet cuối cùng sẽ phải đối mặt với “tình trạng khó xử của những kẻ độc tài”- tức là phải trông cậy vào sự đàn áp thô bạo hơn để giữ cho những chướng ngại này đứng vững, và sẽ để mất những lợi ích vì đã ngăn chặn những ý kiến và làm các cá nhân im tiếng khiến không thể phát huy sáng kiến.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm thứ Năm khuyến nghị các công ty sản xuất phần mềm và những công ty công nghệ cao khác đừng bán công nghệ giúp những chính phủ áp bức trong việc hạn chế tự do Internet. Trong một bài diễn văn đọc tại Hà Lan, bà Clinton cũng cảnh báo việc áp đặt những rào cản quốc gia đối với Internet.