Ngoại Trưởng Clinton lặp lại lời của Tổng Thống Barack Obama tháng 11 năm ngoái ủng hộ ghế hội viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An cho Ấn Độ. Bà cũng mạnh mẽ công khai đưa ra lời kêu gọi Ấn Độ để nước này mở rộng ảnh hưởng của họ, khi nói rằng Ấn Độ có tiềm năng để tích cực đóng góp vào việc xây dựng tương lai của vùng Châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đã chọn Chennai, một hải cảng sầm uất và cũng là một trung tâm sản xuất ở vùng bờ biển phía đông nam của Ấn Độ, như là biểu tượng của chính sách được gọi là “Nhìn về Phương Đông” để phát triển quan hệ thương mại và chính trị với vùng Đông Á.
Bà Clinton nói rằng, Hoa Kỳ và Ấn Độ, với tư cách là hai trong số các nền dân chủ hàng đầu thế giới có những quyền lợi và giá trị chung tại Châu Á, trong đó có việc bảo vệ những hải lộ và quảng bá dân chủ cùng nhân quyền – những lãnh vực mà Hoa Kỳ đã có những lần đụng độ với Trung Quốc.
Bà nói: “Hai nước chúng ta càng giao dịch thương mại và đầu tư với nhau cũng như với các đối tác khác nhiều hơn thì vùng Trung Á và Châu Á Thái Bình Dương càng trở thành trung tâm thương mại toàn cầu phồn thịnh hơn, và cả hai nước chúng ta sẽ càng có được quyền lợi trong việc duy trì ổn định và an ninh. Khi những quyền lợi này gia tăng, chúng ta phải cùng cam để bảo đảm rằng chúng ta có an ninh hàng hải và quyền tự do thông thương.”
Bà Clinton sẽ đi Indonesia vào Thứ Năm để tham dự hội nghị chính trị do các nước ASEAN tổ chức, trong đó có nhiều nước tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc trong vùng biển phía Nam Trung Hoa.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ kêu gọi Ấn Độ sử dụng sức mạnh kinh tế của họ để gia tăng thương mại trên khắp vùng Trung Á, trong đó có Afghanistan và nước thù nghịch lâu đời Pakistan.
Bà bảo đảm với Ấn Độ rằng Hoa Kỳ và NATO, mặc dầu có kế hoạch rút quân tại Afghanistan, nhưng không có ý định để cho an ninh tại đó bị sa sút.
Bà cho biết: “Tôi muốn xác định rõ rằng Hoa Kỳ tôn trọng những cam kết với Afghanistan và khu vực này. Chúng tôi sẽ ở đó. Vâng chúng tôi sẽ bắt đầu rút binh sĩ tác chiến và chuyển giao trách nhiệm an ninh cho nhân dân Afghanistan, một tiến trình sẽ được hoàn tất vào năm vào năm 2014. Nhưng rút bớt quân không phải là rời bỏ hay không còn tham gia nữa.”
Bà Clinton nói rằng, đạt được và duy trì được hòa giải chính trị tại Afghanistan sẽ đòi hỏi sự tham gia và ủng hộ của các nước láng giềng, trong đó có Pakistan và Ấn Độ.
Lên tiếng tại bang Tamil Nadu, là nơi còn cho khoảng 70 ngàn người Tamil dời cư vì cuộc nội chiến tại Sri Lanka được cư ngụ, bà Clinton nói rằng xã hội dung chấp mọi thành phần của Ấn Độ có thể là một khuôn mẫu cho việc hòa giải cho Sri Lanka.
Bà cũng thúc đẩy Ấn Độ có một lập trường mạnh hơn đối với vấn đề nhân quyền tại Miến Điện.
Bà nói: “Chúng tôi thừa nhận rằng Ấn Độ có những quyền lợi chiến lược quan trọng trong việc duy trì một biên giới hòa bình và quan hệ kinh tế mật thiết với Miến Điện. Nhưng cách đối xử của chính phủ Miến Điện với chính nhân dân của họ tiếp tục tệ hại. Vì thế đó là một thời điểm đáng chú ý khi bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ, ông Nirupama Rao, gặp bà Aung San Suu Kyi hồi tháng trước. Và tôi hy vọng chính phủ New Delhi sẽ tiếp tục khuyến khích chính phủ Miến Điện mở cuộc đối thoại với bà Aung San Suu Ky và phóng thích các tù nhân chính trị khác.”
Nhà tranh đấu cho dân chủ tại Miến Điện và cũng là nhân vật được trao tặng giải Nobbel Hòa Bình, bà Aung San Suu Kyi, được phóng thích hồi tháng 11 năm ngoái sau gần hai thập niên bị giam giữ tại nhà nhưng vẫn còn bị chính phủ ngăn chặn những hoạt động của bà.
Bà Clinton nói kỳ vọng của Hoa Kỳ về vai trò của Ấn Độ rất cao, nhưng kỳ vọng đó không phải là một niềm tin mù quáng mà là do Hoa Kỳ đã theo dõi sự tiến bộ của Ấn Độ bằng lòng thán phục sâu xa.
Bà Clinton kêu gọi Ấn Độ xác quyết thêm vai trò của họ tại Trung và Đông Á
- David Gollust
Hôm Thứ Tư, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã kêu gọi Ấn Độ xác quyết hơn trong vai trò chính trị của họ tại vùng Trung và Đông Á cho tương xứng với những tiến bộ về kinh tế tại nước họ. Trong một bài diễn văn về chính sách tại Chennai, cao điểm của chuyến viếng thăm Ấn Độ trong ba ngày, Ngoại Trưởng Clinton nói rằng Hoa Kỳ “tin tưởng ở tương lai của Ấn Độ.”