Hơn hai triệu người đã bỏ nhà cửa ở Somalia đi lánh nạn bởi hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên nay.
Tại một trại tị nạn gần Mogadishu, người phụ nữ này là một trong số những người may mắn có gia đình đã sống sót sau khi vượt qua một chặng đường dài cực nhọc.
Bà nói rằng không ai trong số họ thiệt mạng. Họ là những nông dân và người chăn nuôi. Họ đã mất hết gia súc nhưng con cái chúng tôi đã thoát chết. Bà nói đó là nhờ vào ân đức của Thánh Allah.
Gia súc chết, mùa màng khô héo và nạn đói là câu chuyện phổ biến trên khắp vùng Sừng Phi Châu này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện này trở thành chủ đề nổi cộm trong khu vực.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói: “Cứ vài thập niên chu kỳ này lại lặp lại. Và nếu chúng ta phủi tay và đổ lỗi cho những thế lực ngoài vòng kiểm soát thì thật là điều dễ dàng. Nhưng chu kỳ này không phải là không thể tránh được."
Bà Clinton nói rằng thế giới có kiến thức, công cụ và nguồn lực để biến nạn đói chỉ còn là một ký ức, nếu chúng ta có ý chí để làm như vậy.
Bà nói: “Ngay bây giờ khi tác động của an ninh lương thực đã lên đến tột điểm, chúng ta phải lấy lại quyết tâm phá vỡ chu kỳ này.”
Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, bà Clinton nói rằng các nước láng giềng của Somalia là Kenya và Ethiopia đều có khả năng đối phó tốt hơn với hạn hán so với trước đây vì họ đã đầu tư vào những người nông dân và những người chăn nuôi qui mô nhỏ.
Chương trình mạng lưới an toàn xã hội của Ethiopia cũng đã khuyến khích mọi người phối hợp trong những dự án nhằm cải thiện an ninh lương thực.
Ngoại trưởng Clinton nói: “Hơn 7,6 triệu nông dân và người chăn nuôi đã được chương trình này trợ giúp, những người này đã không cần đến những khoản cứu trợ khẩn cấp hiện nay.”
Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng chương trình này đã khiến nhiều người phụ thuộc vào khoản trợ cấp lương thực. Trong khi phân tích gia chính trị người Ethiopia Jawar Mohammed nói rằng chương trình này cũng đã trở thành một công cụ chính trị.
Ông Mohammed cho rằng chính phủ đã dùng mạng lưới trợ cấp lương thực này để buộc người dân trở thành thành viên hay ủng hộ viên cho đảng cầm quyền.
Nhưng đối với các nước có cam kết giúp chính nông dân và người chăn nuôi nước họ cải thiện được an ninh lương thực, Hoa Kỳ đã hứa viện trợ 3,5 tỷ đôla.
Kenya và Ethiopia đã nhận được sự trợ giúp từ chương trình này. Bà Clinton kêu gọi các nước cấp viện khác thực hiện cam kết mà họ đã đưa ra để giúp tăng cường an ninh lương thực trên thế giới.
Bà nói thêm rằng, nếu không hành động như vậy, thế giới có thể sẽ sớm phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác ở vùng Sừng Phi Châu.
Hoa Kỳ đã cam kết viện trợ thêm 17 triệu đôla cho các quốc gia ở vùng Sừng Phi Châu để đối phó với nạn hạn hán khắc nghiệt. Trong tổng số ngân khoản này có 12 triệu đôla viện trợ cho Somalia, nơi hàng chục ngàn người đã chết vì đói và bệnh tật. Trong một bài diễn văn đọc tại Washington hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng việc ứng phó với nạn đói phải có tầm nhìn vượt ra ngoài cuộc khủng hoảng hiện tại và rằng giờ là lúc cần tập trung vào việc đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng đó sẽ không tái diễn.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1