Bà Clinton nói bà sẽ mở những cuộc đối thoại với những thành phần đối lập Libya tại Washington và trong chuyến đi thăm của bà đến vùng này vào tuần tới. Trong khi đó bà một lần nữa bày tỏ sự dè dặt đối với hành động quân sự đơn phương của Mỹ tại Libya.
Trong bối cảnh cả hai đảng tại Washington kêu gọi giúp đỡ quân sự trực tiếp cho quân nổi dậy tại Libya hay thiết lập một vùng cấm bay để ngăn chận các cuộc không kích của lực lượng chính phủ Libya, bà Clinton nói chính quyền Obama đang xem xét "tất cả giải pháp có thể nghĩ tới."
Tuy nhiên bà nói lịch sử trong quá khứ tại Iraq và Serbia cho thấy vùng cấm bay không phải là thuốc chữa bách bệnh. Và bà nói thêm nếu không có sự cho phép của quốc tế, hành động đơn phương của Mỹ sẽ là bước vào một hoàn cảnh mà hậu quả không lường trước được.
Bà Clinton nói: “Tôi thực sự muốn mọi người hiểu được điều mà chúng ta đang xem xét. Và tôi nhắc lại điều Tổng thống đã nói và chính quyền của chúng ta đã nói rõ ràng: Chúng ta đang xem xét mọi chuyện. Tuy nhiên tôi nghĩ điều quan trọng là Quốc hội và công chúng hiểu được điều này thực sự có nghĩa là gì. Và tôi có thể đảm bảo là Tổng thống không lấy một quyết định nào mà không suy nghĩ và thảo luận kỹ càng.”
Bà Clinton sẽ đi Paris vào ngày thứ Hai để thảo luận tình hình Libya với ngoại trưởng nhóm G8 gồm các cường quốc thế giới trước khi sang thăm Bắc Phi.
Bà nói với các thành viên của một Ủy ban Quốc hội là trong khi nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi bãi bỏ chương trình hạt nhân vài năm trước đây để đổi lấy những khích lệ của quốc tế, ông vẫn còn lưu giữ một số vũ khí hóa học và những loại khác và theo bà là những loại kinh khiếp trong kho vũ khí của ông ta.
Bà Clinton cũng tiết lộ chính quyền đã ngưng các mối liên hệ với Tòa Đại sứ Libya tại Washington nơi các viên chức thân và chống Gadhafi đều muốn nắm quyền kiểm soát.
Tuy nhiên Hoa Kỳ không cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính phủ Libya, và các viên chức Mỹ, kể từ những cuộc giao tranh bắt đầu, vẫn có quan hệ với ngoại trưởng Libya Musa Kusa.
Bà Clinton xuất hiện trước tiểu ban Chuẩn chi của Quốc hội trong đó các vấn đề ngân sách lẽ ra đã chiếm phần lớn thời giờ. Trong đó có vấn đề những đảng viên Cộng hòa cắt giảm mạnh chi tiêu của Bộ Ngoại giao cũng như ngoại viện cho đến hết năm tài chánh 2011 và trong năm 2012.
Chủ tịch Tiểu ban, dân biểu bang Kentucky Hal Rogers nói với bà Clinton rằng điều đơn giản là Hoa Kỳ không thể chịu đựng nổi mức độ chi tiêu về ngoại giao theo như yêu cầu của chính quyền.
Ông Rogers nói: "Chúng ta vay 42 cent của một đồng đô la chúng ta chi tiêu. Đây là thời điểm chúng ta phải nghiêm chỉnh giảm bới chi tiêu, giảm bớt trong sự thâm hụt ngân sách kỷ lục của chúng ta. Thật khó tin rằng chính quyền chia sẻ mục đích của tôi trong việc cắt giảm chi tiêu, khi mà những hoạt động trong năm 2012 về ngoại giao đòi hỏi 59,9 tỉ đô la, tăng 22% so với mức chi tiêu năm 2010."
Bà Clinton nói phần lớn sự gia tăng này là kết quả của việc Bộ ngoại giao đảm nhận trách nhiệm về những chương trình tại Iraq khi lực lượng Mỹ rút khỏi nước này.
Bà nói bà có chung quan điểm là Hoa Kỳ phải quay trở về với một căn bản tài chánh vững vàng nhưng rút vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ sẽ là phản tác dụng.
Bà Clinton nói cộng thêm vào những chi tiêu của Bộ Ngoại giao cho Iraq và những quốc gia tiền đồn khác ít hơn một phần mười việc cắt giảm 45 tỉ đô la của Ngũ Giác Đài được dự trù cho cuộc chiến này trong năm tới. Bà nói Hoa Kỳ cần bảo vệ những gì đã đầu tư, kể cả những hy sinh của binh sĩ Mỹ đã dành cho việc xây dựng dân chủ cho Iraq.
Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ đi thăm Ai Cập và Tunisia trong tuần tới. Bà là viên chức cao cấp nhất của Mỹ thăm vùng này kể từ khi có cuộc nổi dậy của quần chúng lật đổ những chính phủ tại đây. Thông tín viên Đài VOA David Gollust tường trình từ Bộ Ngoại giao Mỹ là bà nói với một Ủy ban Quốc hội bà cũng sẽ gặp những khuôn mặt đối lập Libya.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1