Chuyến công du của Ngoại trưởng Clinton đến thăm 7 nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, khởi sự với bài diễn văn đọc tại Honolulu, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, kể cả những than phiền của người Mỹ rằng Trung Quốc giữ giá đồng nguyên thấp một cách giả tạo.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ dùng những lời lẽ hòa hoãn trong bài diễn văn của bà, nói rằng khác hẳn với lời tố cáo rằng Washington đang tìm cách kiềm chế Bắc Kinh, Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua, đã hỗ trợ sự phát triển kinh tế và chính trị của Trung Quốc trên sân khấu thế giới.
Bà Clinton nói quan hệ của Hoa Kỳ với Trung Quốc “rất phức tạp và có hệ quả vô cùng sâu rộng” đối với khu vực và với thế giới, và rằng chính quyền của Tổng Thống Obama “quyết tâm điều chỉnh cho đúng.”Ngoại trưởng Clinton nói:
“Có những người ở cả hai nước tin rằng các quyền lợi của Trung Quốc và các quyền lợi của Hoa Kỳ đối chọi nhau về mặt cơ bản. Họ áp dụng lối tính toán một thắng một thua để đánh giá quan hệ Mỹ-Trung. Vì vậy họ cho rằng khi một trong hai nước thành công, thì nước kia phải thất bại. Nhưng đó không phải là quan điểm của chúng tôi. Trong thế kỷ 21, không ai sẽ được lợi khi mà Hoa Kỳ và Trung Quốc coi nhau như những địch thủ.”
Ngoại trưởng Clinton nói Hoa Kỳ và Trung Quốc cần hợp tác với nhau để đối phó với điều mà bà mô tả là những “khiêu khích” của Bắc Triều Tiên, và để răn đe các tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, cũng như của Teheran.
Về vấn đề tiền tệ của Trung Quốc, Ngoại trưởng Clinton nói chính phủ của Tổng Thống Obama mưu tìm những “điều chỉnh chính sách có trách nhiệm” từ phía Trung Quốc, và một “môi trường tốt đẹp hơn” cho các sản phẩm của Mỹ, cũng như quyền sở hữu trí tuệ hầu có thể giải quyết tình trạng mất quân bình trong cán cân mậu dịch giữa hai nước.
Trong khi tái khẳng định cam kết của Washington về vấn đề an ninh với các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực, kể cả Nhật bản và Nam Triều Tiên, Ngoại trưởng Clinton cũng cam kết sẽ “nêu cao và quảng bá “ các giá trị về nhân quyền của Hoa Kỳ tại Châu Á. Ngoại trưởng Clinton phát biểu:
“Như nhiều quốc gia, Hoa kỳ quan ngại về những vi phạm đã được chứng kiến tại một số nơi trong khu vực. Chúng tôi xin góp tiếng với hàng tỉ người trên khắp thế giới, kêu gọi Miến điện trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Tình trạng giam cầm, quản thúc nhắm vào bà phải chấm dứt. Chúng tôi lấy làm buồn lòng rằng Châu Á vẫn là nơi duy nhất trên thế giới, có 3 khôi nguyên Giải Nobel hòa bình với tính biểu tượng thật cao, bà Aung San Suu Kyi, Đức Đạt Lai Lạt Ma, và ông Lưu Hiểu Ba - hoặc đang bị quản thúc tại gia, hoặc bị giam cầm, hoặc phải sống lưu vong.”
Ngoại trưởng Clinton tái khẳng định lập trường của Hoa Kỳ ủng hộ một ủy ban điều tra quốc tế về những vi phạm nhân quyền của Miến Điện. Bà mô tả kế hoạch của chế độ quân sự Miến Điện cho cuộc bầu cử tháng tới là có nhiều sai trái sâu đậm.
Trước đó tại Washington, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng những tuyên bố của một số giới chức Miến điện nói rằng bà Aung San Suu Kyi sẽ được phóng thích, nhưng chỉ sau cuộc bầu cử tháng 11, là một “mánh khóe hèn nhát”.
Chính đảng do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã thắng cuộc bầu cử tự do cuối cùng tại Miến Điện năm 1990. Tuy nhiên nhà lãnh đạo đối lập đã bị ngăn cản, không được lên nắm quyền, và phần lớn trong khoảng thời gian từ đó đến nay vẫn bị quản thúc.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ bắt đầu chuyến công du châu Á vào thứ Sáu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Hà nội. Theo chương trình, bà sẽ dừng chân trong một khoảng thời gian ngắn tại Trung Quốc vào thứ Bảy, trước khi lên đường sang Campuchia, Malaysia, Papua Tân Guinea, New Zealand và Australia.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm thứ Năm bác bỏ ý niệm cho rằng các quyền lợi của Hoa Kỳ và của Trung Quốc “đối chọi nhau về cơ bản”. Trong một bài diễn văn về chính sách đọc tại Honolulu, Ngoại trưởng Clinton nói rằng chính phủ của Tổng Thống Obama quyết tâm theo đuổi các quan hệ hợp tác với Bắc Kinh. Bà Clinton cũng cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi các nỗ lực nhằm thăng tiến nhân quyền trong khu vực.