Quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch - việc cần phải làm để ngăn nhiệt độ thế giới gia tăng - có thể làm giảm 2% GDP toàn cầu vào năm 2050 nhưng có thể phục hồi trước cuối thế kỷ, phúc trình của công ty tư vấn tài nguyên thiên nhiên Wood Mackenzie cho biết hôm 20/1.
Mặc dù đầu tư vào các công nghệ như điện mặt trời, điện gió, pin tân tiến sẽ tạo ra việc làm, sự chuyển đổi năng lượng cũng có thể sẽ gây mất việc làm và doanh thu thuế trong ngành nhiên liệu hóa thạch, phúc trình có tựa đề ‘Có bột mới gột nên hồ: Hậu quả kinh tế của đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng’ cho biết.
“Điều đó không hề có nghĩa là chúng ta có thể nói rằng chúng ta không nên chuyển đổi hay chuyển đổi chậm thôi”, ông Peter Martin, kinh tế gia trưởng của WoodMac, nhận định. “Khó khăn trong ngắn hạn sẽ được đền đáp trong dài hạn”.
Lợi ích từ hạn chế sự tăng nhiệt ở mức 1,5 độ C, theo khuyến nghị của Liên Hợp Quốc, có thể đẩy mạnh tăng trưởng GDP toàn cầu, trung bình là 1,6% vào năm 2050, phúc trình cho biết. Nhưng các hành động cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi nhằm giữ nhiệt độ không vượt quá mức đó có thể cắt giảm 3,6% GDP vào năm 2050, dẫn đến mức giảm 2%, cũng theo phúc trình.
Hậu quả sẽ không tác động đồng đều. Trung Quốc sẽ hứng chịu khoảng 27% trong số 75 nghìn tỷ đô la GDP toàn cầu bị thiệt hại lũy kế cho đến năm 2050, trong khi Mỹ gánh khoảng 12%, châu Âu là 11% và Ấn Độ khoảng 7%.
Các nền kinh tế như Iraq vốn không có dự trữ tài chính để đầu tư vào các ngành nhiên liệu phi hóa thạch có thể chịu tổn thất lớn nhất về sản lượng kinh tế.
Các nền kinh tế giàu có với thị trường vốn lớn lâu nay đã đầu tư nhiều vào các công nghệ chuyển đổi năng lượng, hoặc có khuynh hướng đầu tư vào các công nghệ mới, sẽ có thành tích tốt hơn. Chẳng hạn Pháp và Thụy Sĩ có thể sẽ có tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy một ít.
Những lợi ích kinh tế của chuyển đổi năng lượng sẽ bắt đầu hiện rõ sau năm 2035 và sản lượng kinh tế mất đi cuối cùng cũng được lấy lại vào lúc kết thúc thế kỷ, phúc trình cho biết.