Theo một bản tin của Reuters, Trung Quốc hôm 1/9 thúc giục Việt Nam nhìn nhận một cách “bình tĩnh và có lý trí” về các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối, vào lúc căng thẳng giữa hai nước láng giềng trở nên xấu đi liên quan đến vùng biển chiến lược nằm trong vòng tranh chấp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói tại một cuộc họp báo rằng các cuộc tập đó mang tính thường niên. Tin của Reuters cho hay bà Hoa nói thêm là nơi tiến hành tập trận ở khu vực tây bắc Biển Đông, thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Một ngày trước khi Trung Quốc đưa ra lời thúc giục, hôm 31/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nêu quan điểm của Hà Nội về việc Trung Quốc thông báo tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ.
Bà Hằng nói Việt Nam “hết sức quan ngại” về thông báo của Trung Quốc. Bà khẳng định: “Lập trường của Việt Nam là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế”.
Bà Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”.
Nữ phát ngôn viên cho biết thêm rằng trong ngày 31/8, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam “đã giao thiệp” với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, để nêu rõ lập trường của Việt Nam.
Tôi cho rằng thông điệp của Trung Quốc muốn nhắc nhở Việt Nam rằng quốc gia có nhiều quyền lực và đang thống trị ở Biển Đông là Trung Quốc. Nếu Việt Nam không tuân phục Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh, mà trong đó kể cả sức mạnh quân sự.Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia về Biển Đông
Những lời qua tiếng lại kể trên giữa đại diện ngoại giao hai nước nổ ra vì cách đây ít ngày Cục Hải sự Trung Quốc đã thông báo nước này tiến hành diễn tập quân sự trong một khu vực rộng lớn mà Hà Nội xem là thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Cục của Trung Quốc nói diễn tập kéo dài từ 29/8 đến 4/9, trong đó có 3 cuộc tập trận bắn đạn thật trong các ngày 31/8 đến 2/9 ở gần các đảo Phú Lâm, Quang Hòa và Hoàng Sa ở quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam tuyên bố chủ quyền về quần đảo này, nhưng trên thực tế nó thuộc sự kiểm soát của Trung Quốc từ đầu năm 1974.
Một bản tin của báo Thanh Niên phát đi sáng 1/9 có hình minh họa cho thấy vùng tập trận có điểm gần Việt Nam nhất chỉ cách Đà Nẵng khoảng 75 hải lý về phía đông.
Tờ báo lớn của Việt Nam dùng từ “phi pháp” để nói về các cuộc diễn tập của Trung Quốc, mà theo báo này diễn ra trên vùng biển có diện tích tới 11.000 kilomet vuông.
Tin của Thanh Niên có đoạn “Nếu các cuộc tập trận này diễn ra trên thực tế thì đây là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, đe dọa an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông”.
Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia về Biển Đông, nhận xét với VOA rằng các cuộc tập trận của Trung Quốc năm nay đáng chú ý hơn do diễn ra trong bối cảnh đặc biệt là trật tự thế giới đang thay đổi và đang có những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ông lưu ý rằng hồi tháng 7, dưới áp lực của Bắc Kinh, Hà Nội đã đình chỉ việc khoan dầu ở một khu vực ngoài khơi mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Gần đây Trung Quốc tỏ ra khó chịu về những nỗ lực của Việt Nam vận động các nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc cũng khó chịu về mối quan hệ quốc phòng gia tăng giữa Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, theo tin Reuters.
Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh:
“Tôi cho rằng thông điệp của Trung Quốc muốn nhắc nhở Việt Nam rằng quốc gia có nhiều quyền lực và đang thống trị ở Biển Đông là Trung Quốc. Nếu Việt Nam không tuân phục Trung Quốc, hoặc nói như một số báo chí Trung Quốc, như là Hoàn cầu Thời báo, Việt Nam mà còn ‘cứng đầu’, thì Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh, mà trong đó kể cả sức mạnh quân sự”.
Vị chuyên gia cho rằng lúc này cần theo dõi xem các kênh do Việt Nam và Trung Quốc thiết lập trước đây để giải quyết tranh chấp trên biển có được sử dụng hay không. Nếu không, theo ông Việt, Hà Nội sẽ phải tính đến phương án khác, nhưng cũng không có nhiều sự lựa chọn:
“Đương nhiên là nếu bây giờ Việt Nam làm căng với Trung Quốc, đó là điều rất khó. Bởi vì nói gì thì nói, Trung Quốc cũng càng ngày càng mạnh. Mà tiềm lực của một mình Việt Nam không đủ để đối đầu với Trung Quốc. Có lẽ trong lúc này, với Trung Quốc, Việt Nam chỉ có một biện pháp thôi, đó là sử dụng ngoại giao. Sau phán quyết vụ Philippines, có lẽ Việt Nam không thấy thuyết phục lắm trong việc sử dụng biện pháp pháp lý. Cho nên tôi dự đoán rằng khả năng Việt Nam sẽ sử dụng biện pháp ngoại giao là chính”.
Hồi năm ngoái, một tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ các căn cứ để Trung Quốc đòi chủ quyền về hầu hết Biển Đông trong một vụ khiếu nại do Philippines nộp đơn.
Nhưng sau đó, Philippines đã không đả động gì đến phán quyết, thay vào đó, chính quyền của tổng thống mới Duterte đã có nhiều động thái hòa hoãn về tranh chấp biển và gia tăng hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Nhiều nhà quan sát cho rằng diễn biến đó đã đẩy Việt Nam và thế khó khăn và đơn độc hơn trong tranh chấp biển với Trung Quốc.
Theo chuyên gia Hoàng Việt, biện pháp ngoại giao của Hà Nội là tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, và trên cơ sở tình hữu nghị, yêu cầu Bắc Kinh kiềm chế.
Mặt khác, Việt Nam – theo ông Việt – cũng thúc đẩy quan hệ với các đối tác khác, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ, để làm đối trọng và có những tiếng nói từ các nước đó giúp “kiềm chế phần nào” các hành động của Trung Quốc.
Trung Quốc đòi chủ quyền về hầu hết Biển Đông, nơi ước tính có lượng thương mại quốc tế trị giá 3 nghìn tỉ đôla đi qua hàng năm. Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia, và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền ở đó.