Số phận dự luật đặc khu gây tranh cãi của Việt Nam có thể sẽ được định đoạt khi quốc hội họp trong 2 tháng rưỡi nữa. Một chuyên gia kinh tế nói với VOA rằng thay vì làm luật về 3 đặc khu, Việt Nam nên cải cách để cả nước thành đặc khu. Một chuyên gia khác cho rằng ‘tốt nhất là bỏ luật đặc khu’.
Báo chí Việt Nam hôm 4/8 trích lời Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự luật “đang được cân nhắc lại”. Ông Phúc nhấn mạnh rằng dự luật đang được “xem xét thận trọng, tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân”.
Có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, dự luật nếu được thông qua sẽ mở đường cho chính phủ lập ra 3 đặc khu tại các tỉnh Quảng Ninh ở miền bắc, Khánh Hòa ở miền trung và Kiên Giang ở miền nam nhằm “thu hút đầu tư nước ngoài, tạo đột phá về phát triển kinh tế”.
Giới hoạch định chính sách nói việc lập 3 đặc khu là một bước “thử nghiệm” các thể chế, chính sách mới ở Việt Nam, với kỳ vọng thu hút hàng tỉ đôla từ các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch, và kinh doanh sòng bạc (casino).
Họ bày tỏ hy vọng rằng các đặc khu sẽ có mức thịnh vượng vượt trội nhờ các ưu đãi, từ đó tạo “tác động lan tỏa, tích cực” tới sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung, theo báo chí trong nước.
Ban đầu quốc hội dự kiến bỏ phiếu về dự luật vào ngày 12/6 nhưng nó đã bị tạm gác lại sau khi nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình lớn trên khắp Việt Nam.
Đông đảo người dân, các chuyên gia và một số đại biểu quốc hội nói họ lo lắng về thời hạn cho thuê đất 99 năm nêu trong dự luật. Có người thậm chí so sánh điều đó với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến. Mặt khác, họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.
Trả lời báo chí chỉ ít ngày trước khi các cuộc biểu tình nổ ra, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói dự thảo luật “không có một từ, một chữ nào liên quan tới Trung Quốc”. Ông cho rằng một số người “cố tình đẩy vấn đề lên để chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc”.
Ông Dũng trấn an rằng “môi trường kinh doanh tại đặc khu là bình đẳng và cũng không ai có thể vào đây làm việc gì sai trái trong chủ quyền Việt Nam”.
Vị bộ trưởng bình luận thêm rằng suy diễn “theo chiều hướng thế này, thế kia, sợ chuyện này chuyện khác thì là ‘mắc mưu’ của người ta rồi”. Không nói cụ thể “người ta” là ai hay quốc gia hoặc tổ chức nào, Bộ trưởng Dũng nhận định: “Người ta đang không muốn mình phát triển, cải cách, đổi mới mà muốn mình loay hoay, không bứt lên được”.
Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với VOA hôm 7/8 rằng không thể xem thường những e ngại mà nhiều người đã nói ra về dự luật:
“Đang có e ngại rất có căn cứ là một luật đặc khu mà không được xây dựng một cách chặt chẽ thì có thể tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích đầu cơ đất đai, xây dựng casino, có thể tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mang danh Việt Nam nhưng được tài trợ bởi nước ngoài, về thực chất hành động theo mệnh lệnh của nước ngoài để có thể lợi dụng các quy định, các điều kiện của đặc khu đó như miễn thuế, cho thuê đất dài hạn, v.v…”
Trước sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng và nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu trước với báo giới trong nước rằng “chính phủ sẽ lắng nghe” các ý kiến đó.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh bình luận với VOA rằng việc có nên ban hành một luật về đặc khu hay không phải xét tới điều hết sức quan trọng là nó sẽ hoàn thành nhiệm vụ gì.
Đưa ra phân tích về bối cảnh rộng lớn hơn, trong đó Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới, thuế quan đã giảm nhiều, tiến sĩ Doanh đề xuất một cách tiếp cận khác thay vì mở 3 đặc khu:
“Vấn đề chủ yếu là cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi, công khai minh bạch, bình đẳng để cho doanh nghiệp kinh doanh, thứ hai là xây dựng hạ tầng để doanh nghiệp có điều kiện nhất, thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại. Với 3 yêu cầu ấy, Việt Nam nên cải cách để biến toàn thể Việt Nam thành đặc khu kinh tế, và như vậy nó có hiệu lực hơn”.
Một chuyên gia kinh tế khác, bà Phạm Chi Lan nói trong một video được BBC Tiếng Việt đăng lên internet hôm 3/8 rằng cá nhân bà thấy “tốt nhất nên bỏ dự luật đặc khu”.
Nữ chuyên gia nói cho dù dự luật được sửa theo hướng không còn cho nước ngoài thuê đất 99 năm và không nêu tên cụ thể 3 địa phương, sẽ vẫn có những bất cập. Bà phát biểu:
“Tôi lo ngại là nếu có một luật chung chung thì sẽ có thể dấy lên một trào lưu ở Việt Nam các tỉnh đều mong muốn có đặc khu, hoặc một số tỉnh cùng đề nghị với chính phủ, với quốc hội cho họ thành lập đặc khu … Một số chuyên gia mà ngần ngại về luật đặc khu này và cho rằng tốt nhất là không có luật đặc khu nữa”.
Hiện chưa có thông tin chắc chắn cho biết khi nào dự luật sẽ được đem ra bàn thảo và bỏ phiếu tại quốc hội Việt Nam. Báo chí trong nước hôm 4/8 dẫn lời Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Việc Quốc hội xem xét dự án luật vào thời điểm nào còn chờ vào kết quả quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân thế nào, tiếp thu ý kiến cử tri thế nào, tóm lại, rất thận trọng”.
Mặc dù vậy, trên mạng xã hội, dư luận tỏ ý nghi ngờ về khả năng quốc hội đưa ra quyết định hủy bỏ dự luật.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc thảo luận và bỏ phiếu của quốc hội chỉ mang tính hình thức, là bước cuối cùng để hiện thực hóa các chỉ thỉ hoặc quyết định của Bộ Chính trị có thực quyền cao nhất trong đảng cộng sản cầm quyền.
Để chứng minh cho quan điểm này, nhiều người trích dẫn lại một phát biểu từ giữa tháng Tư của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã được báo chí đăng tải. Khi đó, trong một phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự luật đặc khu, bà Ngân nhấn mạnh rằng “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật”.