Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc kêu gọi xét lại hoạt động của cảnh sát ở Mỹ sau hai vụ việc riêng biệt mà trong đó cảnh sát da trắng không bị truy tố sau khi sát hại hai người đàn ông da đen không vũ khí.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về các vấn đề người thiểu số, Rita Izsak, cho biết trong một phát biểu hôm thứ Sáu rằng, hai quyết định của đại bồi thẩm đoàn "để lại nhiều lo ngại chính đáng về tình trạng thoát tội không bị trừng phạt khi nạn nhân của việc sử dụng vũ lực thái quá thuộc cộng đồng thiểu số người Mỹ gốc Phi hoặc những cộng đồng thiểu số khác. "
Những vụ việc này đã làm bùng lên các cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Trong vụ việc được chú ý nhiều nhất, Darren Wilson, một sĩ quan cảnh sát ở thành phố Ferguson ngoại ô St. Louis, bang Missouri, bắn chết thiếu niên 18 tuổi Michael Brown trong cuộc đối đầu trên đường phố vào tháng 8.
Vụ việc mới nhất khiến công chúng phẫn nộ là vụ sát hại Eric Garner, qua đời vào tháng Bảy sau khi bị một sĩ quan cảnh sát thành phố New York khống chế bằng đòn kẹp cổ. Đại bồi thẩm đoàn hôm thứ Tư quyết định không truy tố sĩ quan Daniel Pantaleo về cái chết của Garner.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở New York sau khi quyết định này công bố hôm thứ Tư, và đã lan ra các thành phố lớn khác của Mỹ như Chicago, Boston, và Washington.
Hàng ngàn người biểu tình giận dữ tuần hành qua các đường phố, thỉnh thoảng nằm xuống giả chết như một hình thức phản đối.
Hôm thứ Năm, New York cho biết họ sẽ huấn luyện lại 20.000 cảnh sát viên của mình về cách thức xử lý những nghi phạm. Thị trưởng Bill de Blasio cho biết điều thiết yếu là cảnh sát đối xử bình đẳng với người dân thuộc mọi chủng tộc.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder cho biết Bộ Tư pháp đang tiến hành điều tra liên bang xem quyền dân sự của Brown và Garner có bị xâm phạm hay không.