Các hình ảnh chụp được từ vệ tinh của Mỹ và Đài Loan cho thấy mới đây Trung Quốc cho đặt hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam. Người ta cũng nhận diện được đó là hệ thống phòng không HQ-9 với tầm bắn đến 200 cây số. Khi được hỏi, giới chức Trung Quốc không xác nhận mà cũng không phủ nhận tin tức ấy. Họ chỉ nói bâng quơ là Phú Lâm thuộc chủ quyền của họ, trên đó, họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn mà không vi phạm bất cứ luật quốc tế nào.
Giới quan sát chính trị thế giới chú ý đến thời điểm Trung Quốc mang tên lửa đến đảo Phú Lâm: Đó là thời gian Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo khối ASEAN nhóm họp tại California để bàn thảo về nhiều vấn đề, trong đó, có vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm được xem như một tín hiệu gửi đến các quốc gia liên quan: Các chính sách về Biển Đông của Mỹ và khối ASEAN hoàn toàn vô hiệu. Chúng không những không giải quyết vấn đề mà còn làm cho Trung Quốc trở thành quyết liệt hơn và tình hình càng trở nên tệ hại hơn.
Hành động gây hấn của Trung Quốc đã gây nên nhiều phản ứng quyết liệt ở nhiều nơi. Bộ Ngoại giao Mỹ cho việc làm của Trung Quốc gây bất ổn trong khu vực. Bộ Ngoại giao Đài Loan, Nhật và Úc thẳng thắn phê phán âm mưu quân sự hoá Hoàng Sa của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng gửi công hàm đến Toà Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, hơn nữa, còn gửi thư đến Liên Hiệp Quốc để phản đối việc làm ấy của Trung Quốc.
Không dừng lại ở những lời phản đối suông. Mỹ dự định sẽ tiếp tục cho tàu chiến và máy bay đi ngang qua vùng biển chung quanh Trường Sa và Hoàng Sa. Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh của Mỹ, chủ yếu là Nhật và Úc, tham gia vào chiến dịch ấy để chứng tỏ con đường hàng hải trên Biển Đông không bị ảnh hưởng bởi những tham vọng ngược ngạo một cách phi lý của Trung Quốc.
Tuy nhiên, có hai vấn đề cần được nêu lên là: Một, Trung Quốc sẽ làm gì sau khi đặt tên lửa tại Phú Lâm và hai, thế giới sẽ phản ứng ra sao trước các việc làm ấy?
Để trả lời câu hỏi thứ nhất, chúng ta cần chú ý là cả hai việc bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa cũng như việc triển khai tên lửa ở Hoàng Sa đều nằm trong một chiến lược chung và lớn của Trung Quốc: quân sự hoá Biển Đông. Điều đó có nghĩa là, sau này, không sớm thì muộn, Trung Quốc cũng sẽ mang tên lửa, phi cơ và tàu chiến đến các hòn đảo mới xây ở Trường Sa, từ đó, đặt cả Biển Đông trong vòng kiểm soát của họ. Chưa hết. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ thành lập vùng nhận dạng hàng không tương ứng với vùng biển mà họ giành chủ quyền trên Biển Đông như cái điều họ đã làm ở biển Hoa Đông vào cuối năm 2013. Lúc ấy, có thể xem âm mưu lấn chiếm toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc đã hoàn tất: Tất cả, từ vùng biển đến vùng trời đều thuộc về họ.
Tôi tiên đoán Trung Quốc sẽ tiến hành các công việc sớm hơn là muộn, có thể là trong năm nay hoặc năm tới. Có hai lý do chính. Thứ nhất là trong năm nay ở Mỹ có cuộc bầu cử tổng thống. Tổng thống sắp mãn nhiệm sẽ ngần ngại trong việc dấn thân vào những hành động có thể gây rủi ro lớn và tổng thống tân cử thì thường tập trung vào lãnh vực đối nội hơn là đối ngoại. Thứ hai, hầu hết các sự quan tâm của các nhà lãnh đạo Mỹ hiện nay và có lẽ trong một hai năm sắp tới là lo giải quyết cuộc chiến tranh khốc liệt tại Syria, và sau đó, những thách thức mà Nga gây nên đối với Tây phương. Đó là chưa kể các cuộc chiến tranh tại Afghanistan, Iraq và Libya vẫn chưa kết thúc. Nói cách khác, Mỹ sẽ chưa thể nào rút chân ra khỏi Trung Đông và châu Âu sẽ chuyển trục hẳn sang vùng châu Á – Thái Bình Dương.
Những sự tính toán ấy cũng cho chúng ta thấy những giới hạn trong các phản ứng của Mỹ cũng như đồng minh đối với các hoạt động lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Cho đến nay, Mỹ chỉ có hai hành động thách thức lại âm mưu bá quyền trên Biển Đông của Trung Quốc: Một là lên tiếng phản đối; và hai là cho tàu chiến và máy bay xâm nhập vào sát các hòn đảo ở Hoàng Sa và Hoàng Sa của Trung Quốc. Nếu ở hành động đầu tiên, Mỹ có sự tham gia của một số đồng minh; ở hành động thứ hai, Mỹ hoàn toàn đơn độc. Chính phủ Mỹ từng lên tiếng kêu gọi Úc cùng tham gia với họ, tuy nhiên, mặc dù lớn tiếng phê phán âm mưu lấn chiếm và quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc, Úc vẫn chưa dám liều lĩnh đưa máy bay cũng như tàu chiến vào gần Hoàng Sa và Trường Sa. Lý do rất dễ hiểu: Úc không phải là quốc gia đủ lớn và đủ mạnh để chấp nhận các sự rủi ro có thể dẫn đến việc trực tiếp đương đầu về quân sự với Trung Quốc. Việc Úc không dám, chắc chắn Việt Nam lại càng không dám. Khi tất cả các quốc gia liên hệ, trừ Mỹ, không dám đi sâu vào lãnh hải chung quanh Hoàng Sa và Trường Sa, lời tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc sẽ không bị thách thức.
Trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Barack Obama tại Sunnylands, California vào ngày 16 tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Mỹ “có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn” trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Nhiều người Việt Nam, nghe lời đề nghị ấy, rất ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng, cho là ông có thái độ “thoát Trung” một cách quyết liệt.
Nhưng đòi hỏi Mỹ “mạnh mẽ”, “thiết thực” và “hiệu quả” hơn là sao?
Thành thực mà nói, theo tôi, Mỹ không có chọn lựa nào khác ngoài hai việc họ đã làm kể trên.
Mỹ không thể mang Trung Quốc ra toà án quốc tế: Đó là việc của Philippines và Việt Nam (nếu Việt Nam dám làm).
Mỹ cũng không thể sử dụng các biện pháp kinh tế hoặc quân sự để ngăn chận Trung Quốc vì hai lý do: Một, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ quá phức tạp để có thể tiến hành một biện pháp cấm vận hay gây chiến. Hai, quan trọng hơn, việc lấn chiếm và quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc chưa đủ để có thể dẫn đến một hành động quyết liệt như thế. Dù Trung Quốc hiện thực hoá được con đường lưỡi bò trên biển cũng như trên không, máy bay và tàu thuỷ của Mỹ vẫn có thể đi ra đi vào tự do.
Mỹ chỉ sử dụng các biện pháp mạnh mẽ trên Biển Đông nếu Mỹ bị tấn công trước.
Mà điều đó có lẽ Trung Quốc sẽ không dám làm.
Và cũng không cần làm.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.