Đường dẫn truy cập

Chuyện chưa kể về những phụ nữ làm guitar thời chiến


Tấm ảnh đen trắng các nữ công nhân nhà máy sản xuất đàn Gibson ở Michigan. (Ảnh: John Thomas)
Tấm ảnh đen trắng các nữ công nhân nhà máy sản xuất đàn Gibson ở Michigan. (Ảnh: John Thomas)
please wait

No media source currently available

0:00 0:07:31 0:00
Tải xuống


Trong chiến tranh thế giới thứ II, khi đàn ông Mỹ ở ngoài chiến tuyến, những người phụ nữ ở hậu phương đã thay những người đàn ông đảm nhận những công việc mà họ bỏ dở đằng sau. Những người phụ nữ điều hành các nhà máy và những khu đóng tàu, thúc đẩy kinh tế hoạt động, và đồng thời được tán thưởng vì lòng yêu nước của họ. Nhưng có một nhóm những người phụ nữ chưa từng có trước đấy, âm thầm làm công việc sản xuất những cây đàn guitar của hãng Gibson. Nhà sản xuất nhạc cụ nổi tiếng này chưa bao giờ đưa ra xác nhận rằng những người phụ nữ đã góp phần sản xuất những cây đàn guitar trong thời chiến, và trong một cuốn sử chính thức của công ty, còn thuật lại rằng họ đã ngưng sản xuất các nhạc cụ trong những năm tháng chiến tranh ấy. Thông tín viên VOA Tom Banse sẽ kể cho chúng ta một câu chuyện mà sau hơn bảy thập niên mới được tiết lộ.

Ông John Thomas, một tác giả và một người say mê đàn guitar đã đắm chìm trong suy nghĩ về một bức ảnh thời chiến chụp ở nhà máy sản xuất guitar Gibson trong bang Michigan. Gần như tất cả 75 người trong tấm ảnh đen trắng đều là phụ nữ. Bà Irene Stearns, năm nay 90 tuổi, đã từng làm việc tại nhà máy nhiều năm trong chiến tranh. Bà nói:

"Sau khi tôi học xong trung học, khi đó ai cũng đều đi kiếm việc cả, nhưng thực tế thì chẳng có công việc nào cả. Rồi vào một ngày, họ gọi cho tôi và tôi đã bắt đầu làm việc ở Gibson. Tôi đoán có lẽ bởi vì lúc đó đang có chiến tranh xảy ra."

Bà Stearns là một trong mười hai cựu công nhân nhà máy Gibson mà ông Thomas tìm được ở Kalamazoo, khu vực bang Michigan. Bà Stearns làm dây đàn cho một số trong hàng ngàn nhạc cụ mà nhà máy sản xuất trong những năm 1940. Bà Stearns hồi tưởng lại:

"Tất cả những nhân vật nổi tiếng và những người mua đàn guitar đều đến đó. Họ ở phía bên kia bức tường ngăn cách nơi mà tôi ngồi làm dây đàn. Đó là một phần hay trong công việc mà tôi làm vì tôi có thể nghe họ chơi những cây đàn đẹp tuyệt vời này."

Các nữ công nhận làm việc bên trong nhà máy sản xuất guitar Gibson trong Thế chiến II (Ảnh: Margaret Hart)
Các nữ công nhận làm việc bên trong nhà máy sản xuất guitar Gibson trong Thế chiến II (Ảnh: Margaret Hart)
Tác giả John Thomas gọi bà Stearns và những đồng nghiệp cũ của bà là ‘Kalamazoo Gals’, tạm dịch là Những cô nàng Kalamazoo. Đó cũng là tên cuốn sách mới của ông về những nữ công nhân làm đàn guitar. Trong cuốn sách này, ông gợi ý rằng công ty Gibson giữ bí mật chuyện này vì những người điều hành công ty tin rằng sẽ không có ai mua và chơi nhạc cụ được làm bởi phụ nữ cả.

Ông Thomas sực nghĩ rằng một bản nhạc được thu âm sẽ khiến câu chuyện của ông hay hơn. Do đó, ông đã sưu tầm ba cây guitar của công ty Gibson từ thời thế chiến II và đi mượn thêm 12 cây đàn nữa. Sau đó, một người bạn của ông đã giới thiệu ông với một nhạc sĩ chuyên nghiệp, bà Lauren Sheehan.

Bà Sheehan chia sẻ:

"Khi ông ấy nói với tôi rằng ‘Tôi đang suy nghĩ về việc sẽ thực hiện bản thu âm này,’ và phải chăng sẽ rất tuyệt vời nếu có một người phụ nữ chơi chính cây đàn này bởi vì đây là câu chuyện về những người phụ nữ, tôi lúc đó đã nghĩ trong đầu rằng, có vẻ mọi thứ đang trở nên dần tốt lên và đây sẽ là một dự án tuyệt vời. Sau đó, ông ấy mời tôi tham gia dự án, hoàn toàn bất ngờ. Chúng tôi mới chỉ biết nhau trong vòng 20 phút và ông ấy chưa nghe tôi chơi đàn bao giờ."

Bà nói tiếp:

"Chắc chắn tôi sẽ là người đi tiên phong cho một câu chuyện về những người phụ nữ làm xuất sắc công việc mà vốn chỉ dành cho đàn ông."

Bà Sheehan và ông Thomas nói rằng rất dễ nhận biết cây đàn nào được chế tạo bởi những nữ công nhân làm việc tại một trong những nhà máy sản xuất nhạc cụ hàng đầu của cả nước khi ấy. Có manh mối gì chăng? Thực ra, đó chính là phần trang trí ở trên phần đầu đàn guitar. Bà nói:

"Ngay ở khúc thứ ba phía trên cây đàn có một dải nhỏ màu vàng ghi dòng chữ ‘Only a Gibson is good enough’ – tạm dịch là Chỉ có Gibson mới đủ tốt. Dải đó chỉ xuất hiện trên những cây đàn guitar được chế tạo thời thế chiến II, do đó những cây đàn này được gọi là guitar Banner. Rồi sau đó, những dải này không còn nữa."

…khi những người đàn ông trở về nhà.

Nhà nghiên cứu John Thomas thậm chí còn soi x quang những cây guitar cổ điển để chứng minh luận điểm của ông rằng lực lượng nữ công nhân tạm thời đã cho ra đời những cây guitar tinh tế hơn, mặc dù họ phải đối phó với vấn đề thiếu hụt nguyên liệu để làm đàn. Bà Sheehan đã dùng một cây guitar Banner sản xuất năm 1943 để giải thích về sự khác nhau này qua tiếng và âm thanh của đàn.

Sau đó bà đã chơi thử thêm vài nốt trên một cây guitar Collings hiện đại được thiết kế dựa trên mẫu guitar cổ điển ở trên. Bà nhận xét:

"Tôi nghĩ tiếng cây đàn này to hơn và đế đàn có tính cộng hưởng hơn."

Cây guitar cũ, trong khi đó, lại có vẻ nghe vui tươi hơn và ngọt ngào hơn. Nếu bạn không nghe ra được sự khác biệt cũng không sao. Bà Sheehan cũng phải thừa nhận sự khác biệt này rất tinh tế.

Trong đĩa CD đi kèm với cuốn sách của tác giả Thomas, bà Sheehan đã chơi nhiều ca khúc đã từng rất phổ biến trong thế chiến II, và mỗi ca khúc được chơi trên một cây guitar Banner Gibson cổ khác nhau.

Sau khi kết thúc các buổi thu âm, bà Sheehan đã tự mua cho mình một cây guitar Banner Gibson cổ được phục chế lại để bà cũng có thể được sở hữu một chút gì đó của cái di sản âm nhạc mới được tiết lộ của Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG