Một loại virus gây chết người có tên là Nipah do dơi lây truyền đã gây bùng phát dịch bệnh nơi người trên khắp Nam Á và Đông Nam Á và có ‘nguy cơ gây dịch bệnh nghiêm trọng’, các chuyên gia y tế toàn cầu và giới chuyên môn về bệnh truyền nhiễm khuyến cáo ngày 8/12.
Virus vốn được phát hiện vào năm 1999 tại Malaysia và Singapore đã bùng phát với tỷ lệ tử vong từ 40% đến 90% và lây lan xa hàng ngàn cây số tới tận Bangladesh và Ấn Độ mà chưa có thuốc chữa trị hay phòng ngừa, các chuyên gia cho hay.
“Hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi virus này được phát hiện, nhưng thế giới chưa được trang bị thích ứng để chặn đứng sự đe dọa về sức khỏe toàn cầu do virus Nipah gây ra,” ông Richard Hatchett, giám đốc điều hành Liên minh những Sáng kiến Sẵn sàng phòng chống Dịch bệnh (CEPI), tổ chức đồng lãnh đạo một hội nghị về Nipah diễn ra trong tuần này tại Singapore.
CEPI, một đối tác giữa các chuyên gia dịch bệnh và những tổ chức công, tư, nhân đạo, được thành lập vào năm 2017 để đẩy mạnh việc phát triển các vaccine chống lại dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện.
Trong số những mục tiêu hàng đầu là Nipah, virus chủ yếu lây truyền từ một vài loại dơi ăn trái và lợn, đồng thời cũng có thể lây lan trực tiếp từ người sang người cũng như qua thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
Trong vòng hai năm sau khi được phát hiện lần đầu tiên, Nipah đã lan truyền sang Bangladesh và gây nên một vài đợt bùng phát kể từ năm 2001. Một vụ bùng phát virus Nipah vào năm 2018 ở Kerala, Ấn Độ, làm 17 người thiệt mạng.
“Cho đến nay virus Nipah được kiềm tỏa tại Nam Á và Đông Nam Á, nhưng có nguy cơ lây lan mạnh vì loài dơi ăn trái Pteropus mang virus có mặt trên khắp vùng nhiệt đới và tiểu nhiệt đới, nơi có hơn 2 tỉ dân,” ông Hatchett khuyến cáo.
Ông Hatchett nói thêm vì Nipah có thể lây lan từ người sang người nên trên lý thuyết virus này cũng có thể lan tràn sang những khu vực đông dân cư. Hội nghị Nipah kéo dài 2 ngày là hội nghị đầu tiên chú trọng đến virus gây tử vong này được CEPI và Trường Y Duke-NUS tại Singapore đồng tổ chức, khai mạc hôm 9/12.
Ông Wang Linfa, giáo sư trường đại học Duke-NUS và là đồng chủ tịch hội nghị nói: “Hiện chưa có thuốc chữa và vaccine phòng ngừa virus Nipah dù Tổ chức Y tế Thế giới xem đây là một căn bệnh ưu tiên.” Ông hy vọng hội nghị sẽ khuyến khích các chuyên gia tìm được giải pháp chống lại Nipah.