Đường dẫn truy cập

Chút son trên miệng cá sấu


Chút son trên miệng cá sấu
Chút son trên miệng cá sấu

Nhân ngày bầu cử Quốc hội Việt Nam (22/5) sắp tới, nghĩ ngợi bâng quơ vài điều về chuyện bầu cử và dân chủ.

Có lẽ ai cũng biết, một trong những biểu hiện chính của dân chủ là bầu cử. Chỉ qua bầu cử, một chính phủ “của dân” và “do dân” mới thực sự được thành lập. Cũng nhờ các cuộc bầu cử thường xuyên, lý tưởng “vì dân” của các chính phủ ấy mới được thử thách và mới có hy vọng trở thành hiện thực. Không có bầu cử tự do và bình đẳng, những thứ gọi là “của dân”, “do dân” và “vì dân” chỉ là những khẩu hiện rỗng tuếch và láo khoét.

Nhưng bầu cử, tự nó, không đủ để bảo đảm cho dân chủ. Cứ nhìn vào một số nước như Miến Điện, Côte d’Ivoire hay Zimbabwe... mà xem. Cũng có bầu cử đấy chứ! Nhưng bầu cử xong thì thôi. Kẻ đang có sức mạnh vẫn cứ tiếp tục cầm quyền, bất chấp số lượng phiếu bầu của các cử tri.

Tuy nhiên, việc bất chấp kết quả bầu cử của các chính quyền quân phiệt tại Miến Điện, Côte d’Ivoire hay Zimbabwe không phải là tệ hại nhất. Tệ, nhưng không phải là tệ nhất. Ở không ít quốc gia khác, chính quyền không có những hành động trắng trợn và lộ liễu như thế: Họ chấp nhận kết quả bầu cử sau khi hoặc là ăn gian hoặc là hướng dẫn và kiểm soát rất chặt chẽ suốt cả quá trình bầu cử, hoặc là, nhiều hơn, thực hiện cả hai biện pháp ấy một cách vô cùng... hoàn hảo. Thì cứ nhìn vào cuộc bầu cử Quốc hội ở Ai Cập vào cuối năm 2010 thì thấy: đảng Dân chủ Quốc gia của Tổng thống Hosni Mubarak thắng đến 95% số phiếu bầu! Chỉ hơn một tháng sau, dân chúng ào ạt xuống đường biểu tình; và hai tuần sau nữa thì Tổng thống Mubarak phải từ chức một cách nhục nhã.

Các cuộc bầu cử ở Việt Nam từ trước đến nay cũng vậy. Lúc nào người thắng cũng thắng một cách hết sức “vang dội”, toàn là chín mươi mấy phần trăm đến một trăm phần trăm cả. Nhưng, thành thực mà nói, chẳng có người có chút lương tri nào dám khẳng định các cuộc bầu cử thường được gọi là “đảng cử dân bầu” ấy là dân chủ cả.

Thật ra, câu nói “đảng cử dân bầu” ấy còn thiếu chính xác. Bất cứ cuộc bầu cử nào cũng trải qua ba giai đoạn chính: ứng cử, bầu cử và kiểm phiếu.

Về việc ứng cử, Điều 2 Luật bầu cử đại biểu quốc hội Việt Nam quy định: “Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Luật thì thế, nhưng trên thực tế, mọi ứng cử viên đều phải được sự chuẩn nhận của cái gọi là Hội nghị hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc địa phương tổ chức.

Nhưng Mặt trận Tổ quốc là gì?

Điều 9 của Hiến pháp Việt Nam ghi rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.” Điều đó có nghĩa là Mặt trận Tổ quốc nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền, trong khi chính quyền lại nằm dưới sự lãnh đạo của đảng. Mà trên thực tế, hầu hết, nếu không nói là tất cả thành viên trong giới lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc đều là đảng viên. Đã là đảng viên thì phải chấp hành các mệnh lệnh của đảng. Do đó, việc đề cử của Mặt trận Tổ quốc cũng chẳng khác gì việc đề cử của đảng cả. Hiểu được điều đó, dân chúng Việt Nam tóm tắt quá trình bầu cử ở Việt Nam vào một chữ: “đảng cử”.

Đảng cử theo cơ cấu. Nhà báo Tạ Phong Tần ở Việt Nam viết về việc “cơ cấu nhân sự” trong các cuộc đề cử như sau:

Cơ cấu, theo cách nói nôm na bình dân là ‘chia phần, chia bánh’ kiểu dàn đều hay theo cánh hẩu (không ‘cùng cánh’ xin mời cút xéo đi chỗ khác). Ví dụ: mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi dân tộc, thành phần ông già, phụ nữ, trung niên, thanh niên, tôn giáo, hội đoàn… phải có 1-2 ứng viên đưa vào, dù thực tế trình độ, năng lực không đáp ứng nhiệm vụ nhưng vì ‘cơ cấu’ phải ráng ‘nhét vào’ cho đủ số, mặc kệ những người đủ năng lực và nhiệt huyết nhưng dư so với ‘cơ cấu’ thì bị gạt ra ngoài. Đây cũng là lý do để nhiệm kỳ trước người ta gạt bỏ ứng viên rất được lòng dân là ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (đã nghỉ hưu trước khi ứng cử) vì đảng ‘không phân công ông ứng cử đại biểu Quốc hội’, mà ‘cơ cấu’ vào những vị hễ mở mồm ra là gây ngao ngán kiểu như ông Trần Tiến Cảnh, hay có vị tham gia liên tiếp 4 nhiệm kỳ chỉ để ‘gật gù’.”

Liên quan đến cuộc đề cử đại biểu Quốc Hội kỳ này thì đảng và chính quyền cũng giở rất nhiều thủ đoạn để loại trừ các ứng cử viên độc lập: Chẳng hạn, chuyển địa điểm gặp gỡ dân chúng sang phường khác, để, một mặt, hạn chế sự tham dự của những người ủng hộ họ, và mặt khác, quy tụ toàn những người theo lệnh đảng chống đối họ, biến cuộc hiệp thương thành một cuộc đấu tố, cuối cùng, tuyên bố họ không đạt yêu cầu! Điều này đã từng xảy ra với ít nhất hai ứng cử viên độc lập nổi tiếng là và ông Nguyễn Phúc Giác Hải.

Khi việc đề cử hoàn toàn nằm trong tay của đảng như vậy, việc dân chúng bỏ phiếu cho ai không còn là vấn đề nữa. Nói theo một câu thơ kiểu Bút Tre: nhiệm vụ của dân chúng, trong các cuộc bầu cử, chỉ đơn giản là cầm tờ phiếu bỏ vào thùng:

Mừng ngày bầu cử tự do

Những ai xứng đáng thì cho vào hòm.

Thật ra, câu thơ ấy cũng không hẳn chính xác: Chẳng có ai xứng đáng hơn ai cả. Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử Trung ương, ông Phạm Minh Tuyên, thật thà thừa nhận điều đó khi tuyên bố: “ai trúng cũng được”.

Có thể câu nói “ai trúng cũng được” của ông Phạm Minh Tuyên là sự thật. Nhưng chắc chắn câu nói ngược lại không chính xác: ai thất cử cũng được. Những người được đảng “cơ cấu” thì nhất định không thể thất cử. Hơn nữa, không thể trúng cử với số phiếu thấp được.

Điều này gắn liền với quá trình kiểm phiếu. Ai kiểm phiếu? Thì là đảng chứ còn ai nữa? Trên các lá phiếu ấy, dân chúng gạch tên ai thì cũng chẳng thành vấn đề gì. Các cán bộ đảng làm nhiệm vụ kiểm phiếu sẽ “hiệu đính” và “nhuận sắc” lại giùm để cuối cùng, tất cả những ai được đảng lựa chọn đều trúng cử với tỉ số cao ngất ngưởng cả.

Bởi vậy, các cuộc bầu cử Quốc Hội, vốn được tổ chức một cách tốn kém ở Việt Nam, không có quan hệ gì đến ý niệm dân chủ cả. Trong ngành chính trị học từ lâu đã có một thuật ngữ có thể ứng dụng vào Việt Nam: chủ nghĩa toàn trị tuyển cử (electoral authoritarianism).

Với các chế độ toàn trị, việc bầu cử chỉ là việc tô chút son trên miệng cá sấu. Vậy thôi.

A, tôi rất thích cái hình ảnh trong câu cuối cùng vừa nêu. Tiếc, đó không phải là hình ảnh do tôi nghĩ ra. Nó đã được sử dụng khá phổ biến trong tiếng Anh, “Lipstick on a crocodile”, từ lâu rồi.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG