Có thể nói khoảng thời gian ấy là khoảng thời gian tôi cảm thấy khó xử và thương xót nhất mỗi khi phải gặp các anh. Từng cặp vợ chồng bước vào văn phòng gặp tôi để rồi phải nhìn nhau và chẳng biết phải nói sao nên lời.
Chính phủ Úc, chính phủ Mỹ từ chối hồ sơ của tôi chỉ vì tôi có vợ, con Phi? Họ gặng hỏi.
Đúng vậy. Tôi gật đầu trả lời.
Và nếu bây giờ tôi không còn thương vợ tôi nữa, chúng tôi quyết định chia tay nhau thì hồ sơ sẽ ra sao?
Thì đương nhiên anh sẽ được đi. Một lần nữa tôi lại phải xác nhận một thực tế quá phủ phàng trước mặt người vợ Phi đã không còn kềm được nước mắt.
Nếu chưa có con cái thì câu chuyện còn có thể tương đối dể dàng cân nhắc (vì không có luật lệ nào cấm những đôi vợ chồng cũ tái hôn sau này nếu họ muốn!).
Nhưng nếu đã có hai, ba mặt con thì quả thật quá đau lòng.
Nếu bằng lòng cam tâm chấp nhận thực tế thì xem như cả gia đình, con cái ai cũng sẽ phải đối diện với một tương lai mù mịt. Vì tuy sinh ra ở Phi nhưng nếu cha là người Việt tỵ nạn thì các bé vẫn bị cho là người vô quốc gia, không phải là người Phi.
Nhưng nếu như họ quyết định chia tay để cho người chồng tự cứu mình đi trước thì… biết ra sao ngày sau?
Đến lúc ấy tôi mới hiểu được một phần nào nỗi khổ đau vò xé tâm can của những người vợ, người mẹ phải đành lòng cho chồng, cho con lên thuyền vượt biển xa gia đình, xa quê hương sau ngày Sài Gòn sụp đổ.
Một lần đi là một lần vĩnh biệt. Một lần đi mà chẳng biết đến khi nào mới gặp lại nhau. Lúc ba tôi lên thuyền vượt biển tôi chỉ mới được 9 tuổi. Làm sao tôi có thể hiểu rõ nỗi lòng của ông và mẹ tôi lúc ấy? Tôi đã phải đợi đến trên 20 năm sau mới cảm nhận được chút nào nỗi khổ đau của những người đi trước.
Và cũng là của những người đã chậm bước đi sau đang ngồi trước mặt tôi.
…
Đã có những đôi vợ chồng vì lẽ đó tình cảm đã bị sứt mẻ, phải chia tay nhau mãi mãi trong cảnh kẻ ở, người đi.
Cũng có những đôi vợ chồng cùng nhau quyết định cho người chồng đi trước để hứa rằng trong tương lai họ sẽ lại tìm đến nhau.
Nhưng cũng có những cặp vợ chồng đã quyết định cùng nhau ở lại có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chia. Nếu có chết họ cũng muốn ở gần nhau mãi mãi.
Lúc ấy đã có một số người, trong đó có tôi, nghĩ rằng họ đã hơi ngây thơ, không biết tự tìm cách cứu mình và cứu cả gia đình khi hoàn cảnh đã quá tuyệt vọng. Vì chính tôi là người đang đi vận động các nước để thâu nhận họ cũng không tin rằng phép lạ sẽ xảy ra.
Vậy mà nó vẫn xảy ra. Cách đây gần 3 năm về trước khi chính phủ Canada thay đổi chính sách và tuyên bố sẽ cứu xét tất cả mọi hồ sơ còn kẹt lại của những gia đình tỵ nạn chồng Việt vợ Phi.
Rõ là ở đời khó có ai biết được trước chữ ngờ phải không bạn?
Thế là một lần nữa chúng tôi đã gặp lại nhau. Nhưng lần này không phải là ở tại văn phòng của tôi ở Manila. Và cũng chẳng có ai phải rơi nước mắt. Lần đầu tiên chúng tôi đã có một buổi họp mặt ăn uống tràn đầy tiếng cười rộn rã và đã cùng nhau nghêu ngao hát karaoke đến 3, 4 giờ sáng ở Edmonton, quê hương thứ hai của họ.
Cảm ơn các anh em đã cho tôi có một đêm đáng nhớ. Và một bài học về tình thương yêu vợ chồng cho dù có gặp cảnh trái ngang.