Đường dẫn truy cập

Chủ biên một tạp chí ở Thái Lan bị kết án 10 năm tù tội phỉ báng


Chủ biên Somyot Pruksakasemsuk bị kết tội đăng tải hai bài báo phỉ báng Quốc vương.
Chủ biên Somyot Pruksakasemsuk bị kết tội đăng tải hai bài báo phỉ báng Quốc vương.
Một tòa án ở Thái Lan đã kết án một chủ biên tạp chí 10 năm tù theo các luật lệ gây nhiều tranh cãi chống lại việc phỉ báng nhà vua được sùng kính. Tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở Hoa Kỳ nói nhà chức trách dường như đã nhắm mục tiêu vào chủ biên vì đã ủng hộ cải tổ bộ luật đó. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Ron Corben gửi về bài tường thuật sau đây.

Hôm nay, một phiên tòa của Thái Lan phán quyết rằng chủ biên Somyot Pruksakasemsuk can tội đăng tải hai bài báo bị cho là phỉ báng nhà vua.

Theo các quy định gắt gao, gọi là Lese Majese, tức luật phạm thượng, người đứng đầu tạp chí nay đã bị đình bản “Voice of Thaksin” bị tuyên phạt 5 năm tù về mỗi bài báo.

Các luật lệ của Thái Lan chống lại việc mạ lỵ nhà vua nằm trong số các luật lệ nghiêm khắc nhất thế giới và quy định các mức phạt tù tới 15 năm về mỗi cáo trạng.

Giới hoạt động lên án phán quyết gay gắt là có động cơ chính trị.

Ông Sunai Phasuk là nhà khảo cứu kỳ cựu của tổ chức Human Rights Watch ở Thái Lan. Ông nói nhà chức trách dường như nhắm mục tiêu vào viên chủ biên này vì ông đã thúc đẩy cải cách các luật lệ chống lại việc phỉ báng nhà vua.

Ông Sunai nói: “Ông Somyot đã bị bắt chỉ 5 ngày sau khi ông khởi sự cuộc vận động thu thập chữ ký của công chúng đòi tu chính luật Lese Majeste. Nhưng, các bài báo dẫn đến việc ông bị bắt giữ và bản án hôm nay, đã xảy ra từ lâu trước đó.”

Không có cáo trạng nào được đưa ra đối với người viết các bài báo. Tổ chức Human Rights Watch nói ông này là phát ngôn viên của cựu Thủ tướng Thaksin Shinatra, hiện đang sống ở Kampuchea.

Các luật lệ về xuất bản của Thái Lan dự trù bảo vệ các chủ biên không phải chịu trách nhiệm về nội dung do những người khác viết.

Nhưng theo ông Sunai, tòa đã phán hôm nay rằng những lời nhục mạ nhà vua là một mồi đe dọa cho an ninh quốc gia và vượt qua tất cả các luật lệ khác.

Ông Sunai nói: “Vì thế, nay có một tiêu chuẩn mới ở Thái Lan là đối với các vụ vi phạm luật Lese Majeste thì không có gì phía bị cáo có thể sử dụng như các quyền tự do hiến định để bao che và bảo vệ các quyền cơ bản. Do đó đây là một thời khắc rất đáng lo ngại. Việc kết tội ông Somyot là một bước rất đáng lo ngại chứng tỏ quyền tự do phát biểu ở Thái Lan đang bị tấn công nghiêm trọng.”

Ông Sunai nói vụ này cho thấy nhà chức trách ngày càng nhắm mục tiêu vào giới trung gian truyền thông để khuyến khích việc tự kiểm duyệt các cuộc thảo luận công khai về nhà vua. Ông nói nhà chức trách đã đóng cửa trên 1.000 trang web mỗi tháng vì nội dung bị cho là chống hoàng gia.

Một phiên toà Thái Lan hồi tháng 5 đã phán quyết người điều hành trang web Chiranuch Premchaiporn can tội không chịu gỡ bỏ kịp thời những bài đăng mang tính xúc phạm của các blogger.

Bà này bị kết án 8 tháng tù treo về tội vi phạm luật về Tội ác Ðiện toán, một bộ luật dùng để truy tố tội phạm thượng trên internet.

Ông Somyot cũng bị kêu án 1 năm tù hôm qua, trong một vụ khác, vì đã tố cáo một tướng lãnh Thái Lan đứng sau cuộc đảo chính năm 2006 lật đỏ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Tạp chí này và ông Somyot thường chỉ trích chính quyền và những người ủng hộ cựu thủ tướng.

Ông Thaksin Shinawatra bị cáo buộc là bất trung với nhà vua và nay đang sống lưu vong để tránh bị tù về các cáo buộc tham nhũng.

Ðương kim thủ tướng Yingluck Shinaat là em gái của ông và đảng Pheu Thai của bà đã lên nắm quyền giữa những hy vọng cải cách các luật lệ gây nhiều tranh cãi đã mau chóng bị bãi bỏ.

Ông David Streckfuss là một học giả làm việc ở Thái Lan và là tác giả đã viết rất nhiều về luật phạm thượng Lese Majeste. Ông nói phần lớn các vụ truy tố mới đây không là điều lạ bởi vì chúng được khởi xướng dưới thời chính phủ trước của ông Abhisit Vejjajiva, một nhân vật bảo hoàng kiên cường.

Ông Streckfuss nói: “Ðiều lạ là chính phủ Thái Lan nhậm chức với lời hứa hẹn ít nhất sẽ xét lại bộ luật và để cho các học giả và các chuyên gia pháp lý nghiên cứu lại. Kể từ khi đó, tôi nghĩ có lẽ vì điều mà họ coi như là sự sống còn chính trị của bản thân, họ đã rút lại không có hành động gì về bộ luật đó.”

Dù sao, theo ông Streckfuss, dường như những vụ mới về luật Lese Majeste cũng ít đi rất nhiều so với trước đây, do đó nay mai, Thái Lan cũng có thể bớt chứng kiến những vụ truy tố và buộc tội.

Các vụ có liên quan đến luật phạm thương Lese Majeste đã tăng vọt sau vụ đảo chính năm 2006, khiến quốc tế lên án hành động lạm dụng chính trị.

Ông Streckfuss nói những vụ này đã đạt tới cao điểm là trên 400 vụ vào năm 2010, và điều trớ trêu là nó lại có tác dụng chống lại hoàng gia vì bị chỉ trích và xoi mói.

Giới hữu trách Thái Lan nói các luật lệ này là cần thiết để bảo vệ nhà vua.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG