Trong những tuần vừa qua, bão, lũ lụt và sạt lở đất đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và cả nhân mạng đối với các tỉnh miền Trung Việt Nam. Có thể nói trong hàng chục năm trở lại đây, các tỉnh từ Hà Tĩnh cho tới Thừa Thiên Huế chưa khi nào phải chịu thiệt hại nặng nề như mùa mưa bão năm nay.
Các đoàn từ thiện của các tổ chức và cá nhân ùn ùn lên đường, hướng về miền Trung với mục tiêu cùng sẻ chia những khó khăn và mất mát với người dân nơi đây. Nhưng những nhiêu khê và bất cập khi đi làm từ thiện theo con đường ‘chính thống’ thông qua các cơ quan nhà nước hay chính quyền địa phương lâu nay đã trở thành một đề tài gây tranh luận. Những người từng trải qua kinh nghiệm này cho biết khó khăn nảy sinh ngay từ khâu đầu với thủ tục xin giấy giới thiệu làm việc với các địa phương để tới cứu trợ.
Anh Nguyễn Huy Trung, một cư dân sinh sống tại thành phố Hải Phòng, có bố mẹ vợ là cán bộ và cựu chiến binh nghỉ hưu. Với uy tín lâu năm tại địa phương và trong các cơ quan công tác, cách đây vài năm trong chuyến từ thiện đầu tiên của mình, hai ông bà đã quyên góp được hơn 400 triệu để đi giúp đỡ bà con khu vực miền Trung bị bão lụt. Anh cho biết trước hết bố mẹ anh phải xin giấy giới thiệu của UBND phường sở tại, nơi cư trú, thì khi xuống tới địa phương người ta mới tiếp và làm việc. Riêng công việc này thôi, anh Trung cho biết, phải mất đến vài ngày và nhiều lượt đi lại. Sau những va chạm lời qua tiếng lại vì bức xúc, hai ông bà mới có được giấy giới thiệu cần thiết.
“Liên lạc, gọi điện mãi không được, ông bà phải lên tận phường mấy lần người ta mới cho. Mà khi cho rồi, người ta còn nói kiểu như không vừa lòng rằng cái này phải để cho phường và nhà nước làm chứ sao hai bác lại tự làm thế? Đấy là ông bà có uy tín thế người ta mới phải giải quyết cho đấy. Chứ người khác thì chắc khó mà xin được,” anh Trung chia sẻ thêm.
Trong đợt lũ lụt ở miền Trung lần này, bố mẹ anh Trung tiếp tục quyên góp được hơn 200 triệu và 1 tấn gạo. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này hai ông bà liên lạc với nhà chùa và có một sư thầy đi tiền trạm, tìm tới những vùng khó khăn thực sự tại Quảng Bình và liên lạc trước. Toàn bộ số gạo và tiền này sẽ chuyển trực tiếp tới tay người dân tại khu vực khó khăn đó, thay vì làm việc qua UBND địa phương, nhờ chỉ dẫn.
Tuy nhiên, hiện anh Trung cũng như cả gia đình đang rất lo lắng cho chuyến từ thiện tới đây.
“Mình thấy người ta chụp ảnh và thông tin rằng nếu không qua địa phương thì cũng khó mà phát đồ từ thiện cho người dân đấy. Có đoàn đi trước, xe chở đồ ăn đã tới nơi, gọi người dân ra xếp hàng nhận cả rồi thì đại diện UBND xã ra làm việc nói là cái này không được phát vì chưa thông qua địa phương. Thế là các sư thầy lại phải khiêng lên xe hết, không dám phát nữa,” anh Trung lo lắng bày tỏ.
Anh Nguyễn Nghĩa, một phóng viên lâu năm tại Hà Nội, chia sẻ trong những lần anh cùng các bạn đi làm từ thiện tại các bệnh viện ở thủ đô, nơi tập trung rất đông bà con ngoại tỉnh, thì gần như tất cả đều phải có tiền ‘bôi trơn’ để công việc được thuận tiện.
“Nếu mình không có tiền cho bảo vệ thì người ta còn không cho vào ý, rồi cũng phải có tiền cho các phòng ban thì người ta mới cho làm, chứ không người ta sẽ lấy lý do này lý do nọ từ chối, mệt lắm,” ký giả này cho biết.
“Người ta nhận tiền rồi cho mình làm việc của mình là còn may mắn và tiện lợi đấy. Nhiều nơi người ta không nhận, rồi nói cái này phải làm việc với ban giám đốc. Đến lúc liên lạc với ban giám đốc thì họ nói cái này bọn mình không quyết được phải hỏi ý kiến anh Phó giám đốc XYX. Nhưng khi gọi điện cho anh Phó giám đốc đó thì anh ý đi đâu hoặc bận việc này, việc kia không tiếp thì chả làm được, mất công đi về thôi,” anh Trung tiếp lời.
Tất nhiên, ai cũng biết làm việc qua con đường ‘chính thống’ là UBND và Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương là cần thiết bởi đây là những đơn vị nắm rõ tình hình địa phương nhất. Nhưng con đường này, theo những người đã đi qua, hoàn toàn không đơn giản. Đó là chưa kể đến việc mất niềm tin trong công tác phân phát hàng hoá cứu trợ. Cho nên để yên tâm, ngày càng có nhiều đoàn từ thiện tìm cách trực tiếp tiếp cận các nạn nhân cần cứu giúp để trao gửi tận tay, dù cách làm này có thể bị ‘gây khó dễ’ hoặc có khi cũng rơi vào tình cảnh hàng cứu trợ không phù hợp với nhu cầu mà người dân địa phương đang cần kíp.