Đường dẫn truy cập

Chọn trường du học phù hợp


Trường American University ở Washington, DC.
Trường American University ở Washington, DC.
Tuần vừa rồi Cá nhận được thêm vài email từ các độc giả với mong muốn cung cấp thêm thông tin về việc chọn trường từ cao đẳng cộng đồng, đại học, và lên tới bậc cao học. Trong khuôn khổ một bài viết thì dĩ nhiên Cá không thể cung cấp hết chừng ấy thông tin được, cho nên Cá sẽ đi dần dần từng bước một để các bạn hình dung dễ hơn về quá trình một học sinh phải chọn trường du học.

Như Cá đã nói từ những bài viết trước, chọn trường tốt không nằm ở cái tên. Hôm nay Cá xin nói thêm một điều, chọn trường phù hợp không nằm ở thứ hạng trên bảng xếp hạng. Khi bạn muốn chọn trường phù hợp với bản thân, cho dù là hệ thống trường nào đi nữa, bạn luôn luôn phải xét đến một vài yếu tố cần thiết.

Thế hệ du học hiện nay đã và đang tự mở ra những hướng đi mới cho mình
Thế hệ du học hiện nay đã và đang tự mở ra những hướng đi mới cho mình
Đầu tiên, nếu biết mình thích làm gì hay mình muốn đi con đường nào rồi thì đầu tiên, bạn nên chọn những trường có đào tạo ngành bạn muốn học, hay ít nhất có dạy các môn bắt buộc tối thiểu để về sau chuyển tiếp lên hệ cao hơn. Nếu bạn chọn học những ngành phổ biến như kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng, luật, y, thì có lẽ không thiếu sự lựa chọn. Tuy nhiên, nếu bạn ‘chẳng may’ chọn cho mình một đích đến vắng vẻ hơn, ít người biết tới hơn, thì tất nhiên bạn sẽ phải mất thêm thời gian để đi tìm cho mình con đường riêng tốt nhất để tới đó. Thế hệ du học ngày nay đã khác hơn rất nhiều. Có những người chọn học nghệ thuật như âm nhạc, kịch, thiết kế thời trang, kiến trúc, có người chọn học ngành xã hội như tâm lý, truyền thông, có người thậm chí chọn những ngành kén người học hơn như môi trường, thực phẩm v…v… Vì thế, bạn phải biết bạn muốn đi đâu trước đã.

Điều thứ hai, lại quay lại vấn đề tài chính. Bạn có thể trả bao nhiêu và trường bạn muốn học có thể hỗ trợ cho bạn bao nhiêu. Nói chung về vấn đề tài chính thì Cá có một bài viết trước đó rồi, cho nên Cá sẽ không đi sâu thêm nữa. Nói vắn tắt, bên cạnh nguồn tài chính tự túc từ gia đình, những cách để giải quyết vấn đề tài chính chỉ có thể: xin học bổng, nộp đơn xin hỗ trợ tài chính, xin việc làm thêm ở trường, vay tiền ngân hàng, bạn bè, người thân.

Có lẽ sẽ có nhiều bạn hỏi: xin học bổng như thế nào, xin hỗ trợ tài chính ra sao? Cá thấy thế này, khi bạn xin bố mẹ bạn một số tiền lớn, bạn làm thế nào thì bây giờ bạn cứ làm y như thế. Tuy nhiên, xin học bổng thì cần bạn đầu tư thêm chút thời gian để tìm hiểu ai sẽ là nhà đầu tư phù hợp. Bạn có thể bắt đầu lên mạng tìm theo những từ khóa như scholarships for international students, undergraduate scholarships US, tên ngành + scholarships/ grants. Nhiều học bổng yêu cầu bạn viết luận về một chủ đề nào đó, hay làm một dự án nhỏ nào đó, thậm chí làm một video hay chụp một bức ảnh. Khi đi săn học bổng ngoài thì bạn có nhiều sự lựa chọn vì hình thức xin thì đa dạng hơn, tuy nhiên chúng đều có chung một điểm: rất cạnh tranh. Còn không thì bạn chỉ cần cố gắng tập trung chinh phục những học bổng của trường, hoặc cố gắng nhanh tay xin việc làm thêm ở trường.

Việc làm thêm ở trường tại Mỹ rất đa dạng, cho dù bạn muốn kinh nghiệm hay chỉ đơn giản là tự hỗ trợ bản thân về mặt tài chính
Việc làm thêm ở trường tại Mỹ rất đa dạng, cho dù bạn muốn kinh nghiệm hay chỉ đơn giản là tự hỗ trợ bản thân về mặt tài chính
Về chuyện làm thêm ở Mỹ cho sinh viên quốc tế thì có khác cho sinh viên bản địa, bởi vì sinh viên quốc tế bị giới hạn giờ làm việc, chỉ có 20 tiếng một tuần. Sinh viên quốc tế có visa F-1 chỉ được phép làm thêm tại trường một khi bạn có Social Security Number. Cá không biết phải dịch cụm từ này thế nào vì ở Việt Nam không có loại này, nhưng bạn có thể hiểu nôm na đó là tấm giấy thông hành để bạn được làm việc hợp pháp ở Mỹ, dù là ở trường hay sau này. Và theo thông tin từ trang USCIS của Mỹ phụ trách các vấn đề về quốc tịch và nhập cư thì bắt đầu từ năm hai đại học, bạn có thể đăng ký Curricular Practical Training CPT hoặc Optional Practical Training OPT làm việc hay thực tập tại các công ty bên ngoài, miễn sao những công việc đó liên quan hoặc giúp ích cho chuyên ngành của bạn. Muốn tìm hiểu kỹ hơn về chuyện này thì các bạn cứ bấm vào chữ USCIS màu xanh mà Cá đã đính kèm link ở trên.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm cá nhân của Cá thì Cá thấy rằng vì khối lượng học tại Mỹ khá nặng nên chỉ làm 10 tiếng một tuần thôi cũng đã khiến bạn đủ bận bịu và kiệt sức rồi.

Ngoài hai vấn đề ngành học và tài chính ở trên, bạn có thể bắt đầu xét tới những yếu tố khác mang tính cá nhân hơn. Ngoài chuyện sĩ số, tỉ lệ giáo sư-sinh viên như Cá đã giải thích trước đó trong bài College vs University, có một yếu tố khác mà Cá muốn nhắc tới đó là cách phân chia một năm học.

Một năm học ở Mỹ cũng khá giống với một năm học ở Việt Nam. Có nghĩa là sinh viên bắt đầu đi học vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 và kết thúc năm học khoảng tháng 5. Tuy nhiên, nếu như ở Việt Nam chỉ có hai học kì một năm, thì ở Mỹ, các trường có hai sự lựa chọn. Lựa chọn đầu tiên là học theo hệ thống học kì (semester), thường kéo dài khoảng 4 tháng. Lựa chọn thứ hai là học theo hệ thống quý (quarter), thường kéo dài khoảng 3 tháng hoặc 10 tuần. Có nhiều người thích học theo hệ thống học kì, những cũng có không ít người thích học theo quý. Trong blog lần sau, Cá sẽ giải thích thêm về hai hệ thống này kĩ hơn một chút, còn hôm nay Cá xin tạm dừng tại đây, tạm biệt các bạn nhé. Nếu có thắc mắc hay chia sẻ, email cho Cá tại voatiengvietblog@gmail.com. Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ!
  • 16x9 Image

    Cá Vàng

    Mong với những trải nghiệm nho nhỏ nhưng rất thật của mình với tư cách là một du học sinh ở Mỹ, mình có thể giúp được một số người, đặc biệt những ai Thích Đi Mỹ, có thể hiểu hơn chút ít về miền đất Bắc Mỹ này.
XS
SM
MD
LG