Trong lúc chỉ còn chưa đầy 48 tiếng nữa là đến kỳ hạn đã định vào hôm 11/12, các đại biểu của 196 nước họp tại ngoại ô Paris đang chạy đua để đạt được một thỏa thuận sâu rộng về khí hậu, nhưng vẫn còn các trở ngại lớn có liên quan đến tiền bạc và mục tiêu.
Một bản dự thảo thỏa thuận dài 29 trang phổ biến hôm 9/12 cho thấy còn những bất đồng đáng kể, nhất là về những vấn đề then chốt có liên quan đến trách nhiệm của các nước giàu hơn phải tài trợ cho các chương trình biến đổi khí hậu cho của các nước nghèo hơn.
Các lãnh vực tranh chấp cốt lõi cũng bao gồm yêu cầu của các nước đang phát triển về một thỏa thuận – và những cam kết tương ứng - nhằm ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng thêm tối đa 2 độ bách phận so với các mức thời tiền công nghiệp.
Các quốc gia công nghiệp hóa vẫn còn lệ thuộc nhiều vào than đá và các loại nhiên liệu hóa thạch khác đang tranh luận cho một mục tiêu là 1,5 độ. Mục tiêu thấp hơn sẽ giúp họ giảm bớt sự lệ thuộc và nhiên liệu hóa thạch một cách dần dà hơn và làm nhẹ bớt chấn động đối với các nền kinh tế của họ.
‘Thời điểm quyết định’
Tổng thống Pháp Francois Hollande gọi những giờ phút chót này là "một thời điểm quyết định." Khi trình bày một dự thảo thỏa thuận đã cắt bớt 14 trang, ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói đã đạt được tiến bộ. Nhưng ông cho rằng "chưa có gì được đồng ý cho đến khi nào mọi thứ đều được đồng ý" và ông yêu cầu các đại biểu đưa ra một thỏa thuận được cải thiện thêm nữa trước chiều 10/12.
Ngoài việc kêu gọi thêm các mục tiêu lớn, các quốc gia đang phát triển yêu cầu được sự tài trợ của các nước đã phát triển và gây ô nhiễm cao chi trả cho việc chuyển tiếp qua năng lượng xanh, viện trợ kỹ thuật, và đền bù cho thiệt hại do thiên tai có liên quan đến khí hậu gây ra.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hối thúc các đại biểu vận dụng cơ hội này để chung quyết một "thỏa thuận quyết liệt, đầy đủ và bền vững về khí hậu toàn cầu," và nói rằng "thiệt hại sẽ gia tăng gấp bội" nếu quá nhiều người chờ đợi "người khác nhận lãnh trách nhiệm."
Ông Kerry nói Washington sẽ không để cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất bị tác động bởi thời tiết khắc nghiệt và các ảnh hưởng khác của hiện tượng biến đổi khí hậu "phải, nói rất chính xác là, đối phó với cơn bão một mình."
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói Hoa Kỳ đã cam kết tăng gấp đôi phần đầu tư từ 400 triệu đôla lên đến 800 triệu đôla trong vòng 5 năm tới để giúp các nước nghèo hơn thích nghi.
Nhưng việc thực hiện sự trợ giúp đó có thể bị nêu nghi vấn trong khi các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã tỏ ý cho thấy sẽ ngăn chặn việc tài trợ đó.
Sự hoài nghi
Triển vọng đó đã khơi ra sự hoài nghi trong các đại biểu của các nước đang phát triển ở Paris, vẫn tin rằng bất kỳ thỏa thuận nào đạt được trong tuần này sẽ chỉ là sự lập lại những lời hứa không được thực hiện vốn đã thấy tại các cuộc họp thượng đỉnh trước đây về khí hậu.
Ông Tony De Brum, ngoại trưởng Quần đảo Marshall, đã họp với các thành viên của đảng Cộng hòa tại Quốc hội Hoa Kỳ, và cho biết họ đã nói với ông rằng, "đứng quá tin chắc vào những gì sẽ có được ở Paris bởi vì chúng tôi không chắc nó sẽ cất cánh trong nước."
Ông De Brum nói: "Nhưng nó phải cất cánh. Phải có một sự cam kết nào đó từ phía tất cả mọi người. Không nhất thiết phải là thuộc đảng nào. Đây là một vấn đề quyền con người, một vấn đề sống còn của con người."
Ngày khai mạc hội nghị khí hậu tuần trước rất sôi động, với Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo thế giới khác – tại cuộc tề tựu các vị nguyên thủ quốc gia lớn nhất từ trước đến nay – đưa ra lời kêu gọi các đại biểu dẹp qua một bên những bất đồng và đạt được một thỏa thuận.
Động năng đó đã tiếp tục và rất ít người nghi ngờ rằng một thỏa thuận sẽ đạt được vào ngày 11/12. Thỏa thuận mạnh đến mức nào lại là một vấn đề khác.
Dự thảo thỏa thuận đã được cắt xén mà các đại biểu thảo luận trong ngày 10/12 không đề cập đến những vấn đề về mục tiêu tăng nhiệt toàn cầu, cũng không giải quyết vấn đề các nước giàu gánh chịu bao nhiêu trách nhiệm về tài trợ cho khí hậu, và việc làm thế nào để có được sự tài trợ đó.
Với sự vắng mặt của các vấn đề then chốt này trong thỏa thuận, các quan sát viên cho rằng điều tốt nhất có thể trông đợi vào ngày 11/12 là một hiệp ước không phản ánh gì nhiều hơn là bao so với một sự đồng thuận rằng tất cả các bên muốn chặn đứng tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.
Như vậy làm thế nào để đạt được điều đó lại là một vấn đề cho hội nghị thượng đỉnh kỳ tới.