Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Thế giới cho rằng chương trình y tế phổ cập của Thái Lan là một kiểu mẫu cho các nền kinh tế mới nổi khác ở Châu Á, kể cả Ấn Độ, trong việc cung cấp dịch vụ y tế cho những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, hệ thống y tế Thái Lan có nhiều mối căng thẳng và đang gặp phải áp lực đòi tăng khoản tiền “trả chung” để ứng phó với vấn đề chi phí gia tăng.
Hệ thống y tế phổ cập của Thái Lan, bắt đầu áp dụng từ năm 2002, được xem là kiểu mẫu của những chương trình chăm sóc sức khoẻ toàn dân ở Á châu, nhất là ở Ấn Độ và Myanmar (hay còn gọi là Miến Điện), nơi các hệ thống y tế chưa được phát triển một cách tốt đẹp.
Chương trình năm 2002 đã nhanh chóng nới rộng để cung cấp bảo hiểm y tế cho 18 triệu người không có bảo hiểm, cùng với 29 triệu người có những chương trình bảo hiểm không đầy đủ.
Ông Michael Gideon Marmot, giáo sư người Anh chuyên về chính sách y tế công cộng, là chủ tịch của Hiệp hội Y khoa Thế giới. Ông cho biết chương trình của Thái Lan khác xa chương trình của nhiều nước khác, như Ấn Độ chẳng hạn.
"Với chế độ bảo hiểm y tế phổ cập ở Thái Lan, chỉ có khoảng 20% hoạt động chăm sóc sức khoẻ nằm trong khu vực tư. Chỉ hơn phân nửa của số đó là người dân tự trả. Khoảng 11% chi phí chăm sóc sức khoẻ ở Thái Lan là do người dân chi trả với túi tiền của mình. Tại Ấn Độ tỉ lệ này là 63% và túi tiền của người dân Ấn Độ thì không được đầy cho lắm. Do đó người Ấn Độ không được tiếp cận những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ vì họ không có khả năng chi trả."
Ông Marmot cho biết một tỉ lệ cao hơn trong hệ thống y tế Ấn Độ nằm ở khu vực tư, trong đó có ít người có bảo hiểm sức khoẻ.
Ông Marmot đang có mặt ở Thái Lan để nhận giải thưởng Thái tử Mahidol về y tế công cộng. Ông cho biết Myanmar, dưới sự lãnh đạo của tân chính phủ của Liên minh Dân chủ Toàn quốc, cần phải tập trung vào một hệ thống y tế dựa trên sự phát triển có cơ sở rộng rãi, như được nêu ra trong bản phúc trình mới đây của một uỷ ban của Tổ chức Y tế Thế giới.
"Lời khuyên của tôi cho Myanmar là nghiên cứu bản phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới và những yếu tố định đoạt vấn đề y tế để lập ra một cơ chế -- một cơ chế bao gồm các cơ quan chính phủ để xem xét tới việc ứng dụng phúc trình này cho Myanmar để có được chương trình phẩm chất cao nhắm tới mục tiêu phát triển trẻ em, giáo dục, tạo công ăn việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm mức thu nhập tối thiểu cho dân chúng."
Nhưng những người hoạt động tích cực cho cải cách y tế ở Thái Lan nêu ra rằng hệ thống y tế ở đây ngày càng có nhiều căng thẳng và có áp lực từ bên trong guồng máy hành chánh đòi chấm dứt chương trình được dân chúng ưa chuộng hiện nay là mỗi lần đi khám bệnh chỉ phải trả 30 baht, tương đương với 0,8 đô la Mỹ.
Mới đây, cơ quan tư vấn cho chính phủ Thái Lan, có tên là Hội đồng Nhà nước, cho rằng ngân khoản của chương trình chỉ nên dùng cho việc chăm sóc sức khoẻ của bệnh nhân, mà không dùng cho các chi phí hành chánh và những chi phí khác.
Nhưng đề nghị này gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của giới bác sĩ và những nhân vật tranh đấu. Những người này cho rằng cần có ngân khoản để hỗ trợ cho chi phí điều hành bệnh viện công, nhất là những bệnh viện ở nông thôn.
Ông Viroj Na Ranong là kinh tế gia của một tổ chức nghiên cứu thuộc khu vực tư có tên Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan. Ông nói rằng sự hô hào cho việc diễn giải lại nêu bật những mâu thuẫn về chính sách bên trong hệ thống y tế.
"Tôi nghĩ rằng rất nhiều người trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ tìm cách huỷ bỏ chế độ trả 30 baht, nhưng họ sẽ không bao giờ công khai nói ra điều đó. Ông nói họ muốn duy trì chương trình này, họ chỉ muốn cải thiện nó. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nhiều người thật sự muốn có một sự sửa đổi quan trọng để cho người bệnh phải trả một phần đáng kể từ tiền túi của mình."
Mặc dầu vậy, ông Viroj cho biết vẫn còn sự ủng hộ mạnh mẽ trong cộng đồng đối với chương trình chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Ông nói rằng chính phủ đang lo ngại là sẽ có “hỗn loạn” trong hệ thống y tế nếu chính phủ chỉ trả tiền cho việc chữa bệnh và gây sức ép để tăng khoản tiền mà bệnh nhân phải “trả chung”, nhất là đối với những người có thu nhập thấp.