Kết quả kỳ thi cuối năm tại Campuchia trong năm 2014 thật là tệ hại với hơn phân nửa trong số 90.000 học sinh bị rớt. Lý do? Giới hữu trách diệt trừ nạn gian lận - biện pháp đầu tiên trong một loạt các cải cách nhằm chỉnh đốn lại lãnh vực giáo dục bị hư hỏng của quốc gia nghèo khó này. Thông tín viên Robert Carmichael tường trình cho Đài VOA từ Phnom Penh.
Quyết định dẹp trừ gian lận đã có một ảnh hưởng to lớn. 60% học sinh năm 2014 thi rớt trong kỳ thi cuối năm học, dù có được dịp may thứ hai thi lại vào tháng 10.
Học sinh niên khoá 2015 đã ghi nhận việc này.
Học sinh năm cuối Rattana nói các bạn học nhận biết được qui định “không gian lận trong các kỳ thi” có nghĩa là họ cần phải vượt qua được kỳ thi và lên đại học.
Học sinh này nói chính sách mới có nghĩa là sinh viên phải học chăm chỉ hơn và không đi chơi nhiều như trước đây. Cũng có nghĩa là học sinh không phải chi tiền trong suốt kỳ thi.
Chính sách mới là sản phẩm của Bộ trưởng Giáo dục Hang Chuon Naron.
Được bổ nhiệm cách đây một năm, sau một thập niên là Thứ trưởng Tài chánh, Bộ trưởng Giáo dục Hang Chuon Naron nói cải cách giáo dục thiết yếu cho việc phát triển Campuchia.
Ông Naron cho biết: “Do đó yếu tố quan trọng nhất là có sự lệch lạc về kỹ năng tại Campuchia. Và việc này đã trở thành một trở ngại cho phát triển kinh tế, cho việc thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Do đó chúng ta có những nhà đầu tư đến, nhìn vào lực lượng lao động có kỹ năng-chúng ta không có đủ. Tuy nhiên về khía cạnh cung ứng, chúng ta có nhiều sinh viên tốt nghiệp không thể tìm được việc làm. Và đây là một vấn đề nhiều nước đang đối mặt-ấy là sự lệch lạc về kỹ năng.”
Chính sách mới nhằm cải thiện việc đào tạo giáo viên, quản trị tốt hơn các trường học, và quảng bá kỹ năng phán đóan và giải quyết vấn đề cho 2,9 triệu học sinh Campuchia.
Giáo viên bị trả lương thấp sẽ có thêm thu nhập và trường học sẽ được sự tài trợ thêm của ngân sách giáo dục lên đến 440 triệu đô la.
Chắc chắn Campuchia sẽ còn một con đường dài phải đi: chẳng hạn tỉ lệ 1 giáo viên cho 46 học sinh tiểu học là con số tệ nhất trên thế giới bên ngoài châu Phi.
Ngân hàng Phát triển Á châu đang cấp 90 triệu đô la trong vòng 5 năm để cải thiện chất lượng giáo dục và cắt giảm tỉ lệ bỏ học. Ông Sophea Mar thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á ca ngợi quyết định của chính phủ gia tăng chi tiêu giáo dục, nhưng ông nói với tỉ lệ 17% chi tiêu vẫn còn thấp.
Ông Sophea nói: “Việc phân bổ ngân sách rất quan trọng, nhưng việc chi tiêu còn quan trọng hơn. Và đây là một thách thức to lớn vì bạn biết khả năng ở mức trường học, ở mức địa phương, vẫn còn là một vấn đề. Do đó cải cách không chỉ được thực hiện trong phạm vi bộ. Cải cách phải bắt đầu từ lớp học, phải bắt đầu từ cấp thấp nhất.”
Ông nói để bảo đảm thành quả của các cải cách này cần có sự ủng hộ không những của của chính phủ, mà còn cả của học sinh, cha mẹ và khu vực tư nhân nữa.