Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM hôm 31/7 lên án các trang mạng xã hội và một số nhà báo của Trung ương vì đã đưa thông tin xấu về vấn đề Thủ Thiêm, hoạch hỏi và gợi ý một số vấn đề nhạy cảm, gây phiền phức cho địa phương.
Phát biểu của ông Lê Văn Minh, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, được đưa ra tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước về hoạt động thông tin cơ sở 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
“Hiện nay, hằng ngày, hằng giờ, một số trang mạng xã hội đưa thông tin không chính thống và xấu về vấn đề Thủ Thiêm”, báo Thanh Niên dẫn lời ông Lê Văn Minh nói tại hội nghị.
Chính vì vậy, theo ông, các đơn vị “không nên né tránh hoặc đối đầu với báo chí. Thay vào đó, hãy gặp gỡ báo chí với tinh thần thiện chí cầu thị để trao đổi, cung cấp thông tin chính thống kịp thời”, trích báo Tuổi Trẻ.
Ngoài ra, ông Lê Văn Minh còn nêu lên tình trạng một số phóng viên báo chí thuộc các hội của Trung ương không có thẻ nhà báo mà chỉ có giấy giới thiệu của cơ quan đã “hoạch hỏi và gợi ý một số vấn đề nhạy cảm, gây phiền phức cho địa phương”, vẫn theo Thanh Niên.
Trước đó, ngày 26/7, thông tin về việc lãnh đạo UBND TPHCM “vận động” Nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm giao đất để chính quyền làm đường ven sông đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, khiến cho nhiều ý kiến trong công luận tỏ ra bất bình vì thái độ “tiền hậu bất nhất” và “nuốt lời hứa” của chính quyền. Hồi đầu năm nay, Bí thư Thành ủy tp. HCM Nguyễn Thiện Nhân và các lãnh đạo thành phố trong dịp đi thăm, chúc Tết Nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã hứa sẽ giữ lại hai cơ sở tôn giáo này.
Nói với VOA về động thái “vận động” của chính quyền, bà Trương Thị Yến, một trong số những người dân bị cưỡng chế giải tỏa nhà liên quan đến dự án Thủ Thiêm, nói bà không còn tin vào bất cứ lời hứa hay thông tin chính thức nào từ chính quyền sau khi đã bị bội tín hết lần này đến lần khác.
“Tôi tin Facebook. Tôi không tin nhà báo nữa. Tất cả nhà báo từ chính quyền đều nói sai hết. Những bình luận (từ) người dân chân thật cái gì cũng thật tình. Cái gì sai nói sai, trái nói trái...”, bà Yến nói với VOA.
Người phụ nữ đã có “thâm niên” đi khiếu kiện hơn 20 năm nói bà nghi ngờ chính quyền lại lấy đất của hai cơ sở tôn giáo trên để “phân lô bán nền, chứ không có đường ven sông nào hết!”, như đã từng làm với Chùa Liên Trì trước đây.
Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được xem là hai di sản văn hóa của khu vực vì là những công trình kiến trúc tôn giáo đầu tiên ở Thủ Thiêm, được xây dựng từ những năm 1840 và 1859.
Tuy nhiên, bất chấp ý kiến từ các nhà chuyên môn và phản đối ôn hòa từ các tu sĩ và người dân, chính quyền thành phố nhiều lần tìm cách ép buộc các tu sĩ phải di dời và bàn giao cơ sở tôn giáo của họ cho nhà nước.
Sau khi phá dỡ một trong ba khu nhà của Trường tiểu học Thủ Thiêm, vốn thuộc sở hữu của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm trước đây, chính quyền TPHCM hồi tháng 5 năm ngoái ra quyết định đấu giá 9 lô “đất vàng”, trong đó bao gồm cả Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Quyết định này mới đây lại được chính quyền nhắc đến, sau một thời gian tạm lắng xuống vì những phản đối, khiếu nại mạnh mẽ từ người dân và công luận, dẫn đến việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải “vào cuộc” để làm rõ những sai phạm của thành phố trong việc thu hồi và giao đất liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thông tin trên báo chí vào ngày 26/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết đã giao cho Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm lập bản đồ hiện trang vị trí 15 lô đất trong khu vực này để đưa ra đấu giá.
Lý do là để giúp cho ngân sách không bị thất thoát và thu hút nhà đầu tư, sau khi kết luận của Thanh tra Chính phủ nói rằng chính quyền thành phố đã có nhiều sai phạm và yêu cầu phải thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng tạm ứng sai quy định, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT không đúng quy định.
Riêng với khu đất thuộc khuôn viên Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, chính quyền sẽ “vận động” đại diện hai công trình tôn giáo này để họ bàn giao đất cho thành phố thi công tuyến đường ven sông Sài Gòn.
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bắt đầu được triển khai quy hoạch từ năm 1996, đã đẩy hàng trăm gia đình rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” suốt hơn 20 năm qua, sau khi chính quyền cưỡng chế giải tỏa nhà cửa của họ.