Đường dẫn truy cập

Chính phủ Thái Lan đối mặt với nhiều thách thức trong lúc sắp bầu cử


Những người đứng bên đường cổ võ cho đoàn biểu tình chống chính phủ đang tuần hành trên đường phố Bangkok, 20/1/14
Những người đứng bên đường cổ võ cho đoàn biểu tình chống chính phủ đang tuần hành trên đường phố Bangkok, 20/1/14
Đảng đương quyền ở Thái Lan hầu như nắm chắc phần thắng trong cuộc bầu cử vào chủ nhật này, nhưng chỉ riêng việc thắng cử không thôi sẽ không đủ để chấm dứt vụ khủng hoảng chính trị hiện nay. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, những vụ kiện tụng sau bầu cử cũng tạo ra một mối đe dọa cho đảng đương quyền.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra tiếp tục có thái độ kiên quyết trong lúc đối mặt với những vụ xuống đường kéo dài nhiều tuần lễ đòi bà từ chức.

Với sự tẩy chay của đảng đối lập chính là đảng Dân chủ, đảng Pheu Thai đương quyền sẽ giành được hầu hết các ghế đại biểu trong cuộc bầu cử vào chủ nhật. Nhưng các chuyên gia pháp luật nói rằng chính phủ đối mặt với nhiều thách thức trong những tuần lễ sắp tới, từ các cuộc bầu cử cũng như các vụ kiện trước tòa án và các vụ điều tra tham nhũng.

Nhiều đơn vị bầu cử, hầu hết là ở các tỉnh miền nam, đã không có ứng cử viên ghi danh, trong lúc ở Bangkok cuộc đầu phiếu sớm bị những người biểu tình chống chính phủ gây gián đoạn.

Ông Dej-Udom Krairit, Chủ tịch Hội đồng Luật sư Thái Lan, tin rằng kết quả bầu cử bị vô hiệu hóa là một mối nguy có thực. Ông nói:

"Xét theo tình hình hiện nay, cuộc bầu cử rất khó xúc tiến. Không có hy vọng thành công và họ không thể kéo dài. Chiến dịch ôn hòa chống lại chính phủ quả thật đã diễn ra khá tốt, và bây giờ chúng ta phải chờ xem chính phủ chịu đựng được bao lâu."

Những nhân vật thân chính phủ và những nhóm khác ủng hộ việc tổ chức bầu cử đang thúc giục cử tri đi bỏ phiếu vào chủ nhật. Nhưng đang có những mối lo ngại về bạo động, đặc biệt là ở Bangkok, sau khi xảy ra những vụ việc hôm chủ nhật tuần trước, khi các cử tri đụng độ với những người biểu tình chống chính phủ tìm cách ngăn chận cuộc bầu cử."

Ông Somphob Manarangsan, một vị giáo sư kinh tế học, cho rằng các cơ quan độc lập như tòa án và ủy ban chống tham nhũng cũng có thể tạo ra nhiều khó khăn cho chính phủ. Ông nhận định:

"Các tổ chức độc lập như ủy ban chống tham nhũng và của tòa án hiến pháp, có thể có thêm phán quyết của những tổ chức này làm cho chính phủ bị tê liệt thêm nữa, rồi sau đó có thể sẽ tự động có những cơ chế được sử dụng để tạo ra một sự đột phá nào đó cho vụ bế tắc mà chúng tôi đang đối mặt hiện nay."

Một vụ từ chức bị ép buộc của chính phủ của Thủ tướng Yingluck dựa theo hiến pháp sẽ dẫn tới chỗ bổ nhiệm một chính phủ lâm thời – một đòi hỏi chính của phong trào biểu tình chống chính phủ.

Chính phủ đang bị Ủy ban Quốc gia Chống Tham nhũng điều tra về những tố giác tham ô trong kế hoạch trợ giá lúa gạo với kinh phí 19 tỉ đô la. Thủ tướng Yingluck là người đứng đầu ủy ban chính sách lúa gạo quốc gia.

Ông Vicha Mahakhun là thành viên của ủy ban chống tham nhũng và là người phát ngôn của ủy ban này. Ông nói rằng ủy ban đã bắt đầu điều tra mấy mươi trường hợp tham ô của chính phủ, nhiều hơn số vụ điều tra dưới thời của chính phủ tiền nhiệm của ông Abhisit Vejjajiva. Ông cho biết:

"Về chính phủ này chúng tôi có 45 khiếu nại tham nhũng chống lại chính phủ. Chúng tôi đang điều tra 12 trường hợp và 22 trường hợp đang ở giai đoạn tìm kiếm sự thật. Ủy ban quốc gia chống tham nhũng cũng đang điều tra những trường hợp của chính phủ Abhisit, hơn 12 trường hợp dính líu tới vấn đề tham nhũng."

Trong danh sách về chỉ số tham nhũng, tổ chức Minh bạch Quốc tế, chuyên tổ chức theo dõi vấn đề tham nhũng trên thế giới, xếp Thái Lan vào hạng 102 trong tổng số 177 quốc gia, còn thấp hơn thứ hạng vốn đã thấp là 80 khi chính phủ của bà Yingluck lên nắm quyền vào năm 2011.

Ông Bandid Nijathaworn, cựu phó thống đốc ngân hàng trung ương, cho biết tình hình tham nhũng ngày càng tệ hơn cần phải được giải quyết. Ông nói:

"Kế hoạch trợ giá gạo và những hành động mà Uûy ban quốc gia chống tham nhũng đang thực hiện rõ ràng là một bằng chứng cho thấy cần phải có những hệ thống tốt hơn để cai trị đất nước, đặc biệt là phải có sự đối trọng đối với phẩm chất của các chính sách của chính phủ có ảnh hưởng lâu dài tới vị thế tài chánh của đất nước – để tránh gây ra những khoản thất thoát khổng lồ và làm cho dự án hay chương trình trợ giá này đối mặt với những rủi ro rất lớn về tham ô."

Hồi tháng 12 vừa qua, tòa án hiến pháp đã chấp nhận một đơn kiện của phe đối lập liên quan tới tính chất hợp pháp của chương trình chi tiêu của chính phủ cho cơ sở hạ tầng có kinh phí 70 tỉ đô la. Những người chỉ trích nói rằng dự luật chi tiêu đó né tránh sự giám sát thích đáng của quốc hội.

Đảng đương quyền cũng đang đối mặt với những thách thức pháp lý về những hành động của quốc hội trong việc sửa đổi hiến pháp.

Một phán quyết chống lại chính phủ có thể buộc thủ tướng từ chức, làm cho tình hình Thái Lan trở nên bất trắc hơn nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG