Chính phủ Australia đã cho phép tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu Nhà nước Hồi Giáo tại Iraq. Thủ tướng Úc Tony Abbott nói Nhà nước Hồi Giáo đã tuyên chiến với thế giới và phải bị hạ giảm khả năng và phá vỡ. Thông tín viên Phil Mercer tường thuật từ Sydney.
Các máy bay chiến đấu của Australia sẽ bắt đầu các phi vụ oanh kích tại Iraq trong vòng vài ngày tới. Canberra đã phái 600 binh sĩ và 6 máy bay phản lực chiến đấu đến một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Thủ tướng Tony Abbott nói lực lượng biệt động của Australia sẽ được triển khai tại miền bắc Iraq trong vai trò cố vấn cho các lực lượng địa phương chống lại phe nổi dậy.
Giới chỉ trích lo ngại là Australia sẽ bị lún sâu vào một cuộc chiến kéo dài khác tại Trung Đông, nhưng Thủ tướng Abbott khẳng định rằng hành động quân sự làm cho Australia được an toàn hơn:
“Sẽ là điều đem lại lợi ích tốt nhất cho tất cả mọi người, khi kiềm chế và đẩy lùi được sự điên cuồng của giáo phái giết người ISIL, và đó là điều chúng ta quyết tâm thực hiện. ISIL đã tuyên chiến với thế giới, ngay lúc này, ISIL hiện nay đang mở một cuộc tấn công vào nền văn minh, chứ không phải chỉ riêng vào người dân Iraq.”
Hoa Kỳ và các nước Ả Rập đã oanh kích các mục tiêu IS tại Iraq và Syria khoảng hai tuần nay. Hiện nay có hơn 60 quốc gia tham gia sứ mạng do Hoa Kỳ lãnh đạo, mặc dù phần lớn các nước không tiến hành các cuộc không kích. Các quốc gia châu Âu có liên hệ đến chiến dịch không kích chỉ nhằm vào các mục tiêu tại Iraq.
Hoạt động tác chiến được sự ủng hộ của đảng Lao động, đảng đối lập chính tại Australia. Lãnh tụ đảng Bill Shorten nói “hành động quân sự không thôi không đủ để làm nghẹt ngòi khủng bố và sự ổn định dài hạn tuỳ thuộc vào chính phủ và người dân Iraq.
Tuy nhiên, lãnh tụ đảng Xanh Christine Milne tin là hành động quân sự của Australia tại Trung Đông sẽ làm gia tăng nguy cơ khủng bố trong nước. Bà Milne cáo buộc chính phủ Abbott đã đưa Australia vào tình trạng sa lầy nhiều năm tại Iraq.
Có khoảng 60 người Australia được cho đã gia nhập các tổ chức cực đoan tại Iraq và Syria và Canberra đã nâng mức đe dọa khủng bố trong nước từ trung bình lên cao. Trong những tuần lễ gần đây, những cuộc càn quét khủng bố đã được tiến hành tại Sydney, Brisbane và Melbourne.
Các luật lệ mới cũng đã được đệ trình Quốc hội Australia dành cho nhà cầm quyền những quyền hạn rộng rãi hơn để chiến đấu chống lại mối đe doạ của những phần tử cực đoan trong nước. Tháng trước, một nghi can khủng bố thiếu niên bị cảnh sát bắn chết tại Melbourne sau khi hai nhân viên cảnh sát bị đâm.