Ngân hàng trung ương Trung Quốc định mức tham chiếu hàng ngày của đồng nguyên là 6,7011 so với giá hôm thứ Tư là 6,6936. Quyết định này được đưa ra 1 ngày sau khi Hạ viện Hoa Kỳ thông qua một dự luật nhắm làm áp lực buộc Bắc Kinh tăng giá đồng nguyên.
Giá đồng nguyên đã tăng khoảng 2 phần trăm kể từ khi Bắc Kinh chấm dứt việc gắn giá với đồng đôla hồi tháng 6. Nay Trung Quốc để cho đồng nguyên được xê xích một cách khiêm tốn trong khuôn khổ một mức tham chiếu được ấn định hàng ngày.
Nhưng hôm thứ Năm đã có một phản ứng nhẹ nhàng của thị trường trước dự luật mà nếu được Thượng viên thông qua sẽ cho phép Bộ Thương Mại Hoa Kỳ áp đặt thuế trừng phạt đối với các sản phẩm từ những nước thao túng hối đoái của họ. Các giới chức Hoa Kỳ nói Trung Quốc nằm trong số các nước này.
Ông Stephen Schwartz, một kinh tế gia tại ngân hàng Banco Bilboa Vizcaya Argentaria BBVA ở Hong Kong, dự báo ảnh hưởng kinh tế hạn chế ở Trung Quốc trong trường hợp dự luật được phê chuẩn thành luật.
Ông Schwartz nói: “Nếu dự luật này được thông qua và như tôi nói thì tôi nghĩ là không có nhiều phần chắc, nhưng giả tỷ như có thì nó sẽ bao gồm một số ít sản phẩm và một tỷ lệ nhỏ của mậu dịch Trung Quốc với Hoa Kỳ. Tôi không trông đợi, ít nhất trong giai đoạn sơ khởi, sẽ có tác động kinh tế đáng kể. Theo tôi, tác động sẽ có tính biểu tượng nhiều hơn, ở điểm là nó thay đổi bản chất và giọng điệu của cuộc tranh luận về thương mại và vấn đề chỉ tệ.”
Theo dự kiến, dự luật sẽ được đưa ra tranh luận tại Thượng viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.
Trong tuần này, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đánh những sắc thuế cao hơn vào hàng hóa mà họ cho là phía bên kia đang cho phá giá trên thị trường của họ. Trung Quốc đã tăng thuế các sản phẩm thịt gà của Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ cũng làm như thế với các ống đồng chế tạo tại Trung Quốc. Ông Schwartz của BBVA nói rằng chế độ bảo hộ mậu dịch sẽ gây thiệt hại cho cả hai nền kinh tế.
Các giới chức Hoa Kỳ lo ngại về mức thâm hụt mậu dịch lớn với Trung Quốc – có nghĩa là Hoa Kỳ mua nhiều hơn là bán cho Trung Quốc. Hồi tháng 7, thâm hụt đứng ở mức 25,9 tỷ đôla, con số trong tháng cao thứ nhì trong năm nay. Sự kiện này khiến Trung Quốc trở thành nước nắm cổ phiếu lớn nhất của Hoa Kỳ, ở mức khoảng 850 tỷ đôla.
Để điều chỉnh tình trạng mất quân bình này, các giới chức Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc xúc tiến nhanh việc tăng gia đồng nguyên, mà Washington cho rằng đã được định quá thấp và vì thế làm cho giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc thấp một cách bất công.
Nhưng Bắc Kinh nói sẽ chỉ để cho đồng nguyên tăng giá từ từ. Vào tháng 10, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ công bố một phúc trình có thể gán cho Trung Quốc nhãn hiệu nước thao túng chỉ tệ.
Chứng khoán tại Thượng Hải tăng trong ngày thứ Năm, nhưng các chuyên gia phân tích thị trường nói rằng đó là bởi vì người ta trông đợi chính phủ sẽ tiến hành các biện pháp mới để khống chế giá hàng hoá.
Hôm nay, khung giá của chỉ tệ Trung Quốc hơi sụt giảm so với đồng đôla, sau khi các nhà lập pháp Hoa Kỳ thông qua một dự luật mở đường cho các thuế biểu trừng phạt áp đặt cho các sản phẩm của Trung Quốc bán tại Hoa Kỳ. Từ Hong Kong, thông tín viên VOA Heda Bayron gửi về bài tường thuật sau đây.
Đọc nhiều nhất
1