Ngày hôm nay, Trung Quốc đã bác bỏ những mối quan ngại về thỏa thuận của họ với Iran.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói rằng thương mại với Tehran là hoạt động kinh doanh bình thường và không làm tổn hại tới lợi ích của các nước khác hay cộng đồng quốc tế.
Nữ phát ngôn này đáp lại những lời bình luận của cố vấn đặc biệt của Hoa Kỳ về vấn đề kiểm soát vũ khí và cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, Robert Einhorn.
Tuần này, ông Einhorn nói rằng Trung Quốc nên hợp tác đầy đủ trong việc thực hiện các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên và Iran vì chương trình hạt nhân của những nước này.
Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu gần đây đã thông qua các biện pháp chế tài mới đối với Iran và đang khuyến khích Nga và Trung Quốc ủng hộ những biện pháp đó. Những biện pháp trừng phạt này nhắm vào lĩnh vực ngân hàng và năng lượng của Iran.
Ông Joseph Cheng, một giáo sư chính trị tại trường Đại học Thành phố Hong Kong, nói rằng Bắc Kinh quan tâm rất ít tới những biện pháp chế tài mới này.
Ông Cheng nói: “Trung Quốc chắc chắn là có mối quan tâm lớn về dầu mỏ ở Iran và vì vậy họ khá ngần ngại trong việc ủng hộ quan điểm của Mỹ. Mặt khác, dĩ nhiên là chính phủ Mỹ nhận ra rằng nếu những cường quốc chính không cùng hành động thì các biện pháp chế tài phần lớn sẽ không hiệu quả, thậm chí còn ảnh hưởng tới lợi ích của các công ty Mỹ.”
Vào lúc các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Iran bởi các biện pháp chế tài này, người ta quan ngại rằng các công ty của Trung Quốc sẽ tranh thủ giành lấy những hoạt động kinh doanh đó.
Trung Quốc hiện đã là đối tác thương mại lớn nhất của Iran và dự định sẽ đầu tư hàng tỷ đôla vào lĩnh vực dầu mỏ của nước này, trong đó gồm cả việc xây dựng một số nhà máy lọc dầu.
Tehran là nước cung cấp dầu đứng hàng thứ ba cho đất nước Trung Quốc đang khát năng lượng. Bộ trưởng dầu khí Iran đang ở thăm Trung Quốc trong tuần này để thảo luận thêm về thương mại và hợp tác.
Mặc dù hai nước có quan hệ thương mại thân thiện, ông Cheng nói rằng Trung Quốc lo ngại về việc Iran phổ biến vũ khí hạt nhân và hồi tháng Sáu đã ủng hộ đợt chế tài thứ tư của Liên Hiệp Quốc đối với Iran.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước họ vẫn luôn luôn tuân theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và bác bỏ những nhận định cho rằng Bắc Kinh không hành động một cách có trách nhiệm.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phản đối các biện pháp chế tài gắt gao hơn, kể cả các biện pháp chế tài đơn phương của Hoa Kỳ, EU, Australia, Canada và Nhật Bản, vốn lo ngại rằng Tehran có mục đích thủ đắc vũ khí hạt nhân. Iran tuyên bố chương trình hạt nhân của họ chỉ để phục vụ mục đích hòa bình.
Bất chấp những biện pháp chế tài này, hồi tháng trước, Iran loan báo đã chế tạo thành công một hệ thống phi đạn tiên tiến, khiến người ta đặt nghi vấn về tính hiệu quả của các biện pháp chế tài này.