Đường dẫn truy cập

Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung


Các cuộc thảo luận trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về các vấn đề kinh tế và an ninh đã kết thúc hôm thứ ba vừa qua tại Bắc Kinh. Theo tường thuật của thông tín viên Jim Stevenson của đài VOA, tuy cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung chỉ mang lại một số thỏa thuận không mấy quan trọng nhưng quan hệ giữa hai nước nói chung dường như đã được điều chỉnh cho đúng vị trí sau một thời gian bị căng thẳng.

Trong mấy tháng trước khi diễn ra ra hội nghị hàng năm này, quan hệ Mỹ-Trung đã gặp phải khá nhiều căng thẳng. Kế hoạch của Washington bán cho Đài Loan các loại vũ khí tối tân, chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cùng với bài diễn văn của ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton về tự do internet là những vụ việc làm cho quan hệ giữa đôi bên bị xuống dốc.

Ông Dean Cheng, một nhà nghiên cứu làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Á châu của Quĩ Heritage ở Washington, cho biết rằng các cuộc thảo luận tại Bắc kinh đã góp phần mang lại đôi chút ổn định cho mối bang giao Mỹ-Trung.

Ông Cheng nói: "Cuộc đối thoại này trên cơ bản đã đặt mọi việc trở lại đúng vị trí của nó và cho phép đôi bên bày tỏ những mối quan tâm của mình với hy vọng có được những cuộc thảo luận thẳng thắn."

Ông Cheng nói thêm rằng cuộc họp này nêu bật vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc trên thế giới.

Ông Cheng nói tiếp: "Trung Quốc lại một lần nữa nhắc nhở cho thế giới biết rằng xét về nhiều phương diện thì nước họ chính là đại cường sắp tới của thế giới. Về mục tiêu tranh thủ sự hợp tác của Trung Quốc đối với vấn đề Bắc Triều Tiên và Iran, hiện chưa rõ là Hoa Kỳ có thành công hay không. Điều đó tùy thuộc vào những diễn tiến sau này. Nhưng có lẽ chúng ta có thể lạc quan mà nghĩ rằng ít ra thì mọi việc không còn tuộc giốc như trước."

Những mối căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên là một trong các đề tài chính được mang ra thảo luận. Ông Richard Bush, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Bắc Á của Viện Brookings, nhận định rằng cuộc thảo luận ở Bắc kinh diễn ra thật là đúng lúc.

Ông Bush cho biết: "Đây chính là loại vấn đề mà cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung được lập ra để tìm cách giải quyết. Thật là đúng lúc khi ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và vị tương nhiệm phía Trung Quốc tiến hành cuộc thảo luận ngay sau khi chính phủ Nam Triều Tiên công bố bản báo cáo về vụ chiến hạm của họ bị Bắc Triều Tiên đánh chìm."

Ông Bush nói thêm rằng mặc dù tình hình giữa Nam và Bắc Triều Tiên tiếp tục có những diễn tiến khó lường nhưng có phần chắc là Washington và Bắc kinh sẽ hợp tác với nhau để ứng phó với hành động khiêu khích lộ liễu của Bắc Triều Tiên.

Ông Bush nói: "Trung Quốc không chấp nhận bản báo cáo một cách nhanh chóng như vậy. Chúng ta cần phải chờ xem họ sẽ thật sự hành động như thế nào về vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể lạc quan về việc Trung Quốc sẽ thay đổi lập trường để cùng với Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên thực hiện một hành động đa phương nào đó để chống lại Bắc Triều Tiên."

Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Dean Cheng của Quĩ Heritage, cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế tự nó không thể mang lại một kế hoạch hợp tác cụ thể nào giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.

Ông Cheng giải thích: "Hiện chưa rõ là hai nước thật sự hợp tác với nhau được bao nhiêu. Đưa một phái đoàn gồm 200 người đến dự hội nghị là một cách rất tốt để có được rất nhiều những cuộc đối thoại. Nhưng không chắc là hộïi nghị có mang lại những kết quả cụ thể hay không."

Ông Cheng cũng cho biết tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng nhiều tới công cuộc xuất khẩu của Trung Quốc đến độ Bắc kinh sẵn sàng thực hiện một số thay đổi để duy trì sự kiểm soát đối với tình hình trong nước.

Ông Cheng nói: "Xuất khẩu bị sút giảm mạnh có thể dẫn tới những vụ rối loạn nghiêm trọng ở quốc nội. Vì vậy chính phủ Trung Quốc giờ đây đang tìm cách cân bằng các chính sách kinh tế - những chính sách kinh tế vừa thỏa mãn những đòi hỏi của Hoa Kỳ vừa góp phần giúp cho chính quyền Trung Quốc duy trì quyền lực."

Cuộc đối thoại cũng đề cập tới chính sách mậu dịch của Trung Quốc mà nhiều người cho là có tính chất bảo hộ. Ông Richard Bush nói rằng biện pháp của chính phủ ở Bắc kinh nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước – thường được gọi là chính sách “sáng chế, cách tân quốc nội”, sẽ không mang lại lợi ích gì cho Trung Quốc.

Ông Bush nhận xét: "Đòi hỏi về sáng chế trong nước và qui định về việc công tác cấu mãi của chính phủ chỉ được thực hiện trong phạm vi các doanh nghiệp Trung Quốc, vốn là một hệ quả của chính sách này, không có lợi cho Trung Quốc. Nếu các sản phẩm ngoại quốc bị ngăn không cho tiếp cận một thị trường quan trọng thì điều đó sẽ tạo ra tình trạng hoạt động thiếu hiệu quả và những sự sai lệch trong nền kinh tế Trung Quốc."

Ông Bush cũng cho rằng sự ỷ lại của kinh tế Trung Quốc đối với các công ty nước ngoài rốt cuộc sẽ buộc giới hữu trách thay đổi chính sách.

Ông Bush nói: "Loại chính sách này ở cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp địa phương tạo ra mâu thuẫn giữa Trung Quốc với một khối người nắm giữ một vai trò rất quan trọng cho việc tranh thủ sự hậu thuẫn cho Trung Quốc. Những công ty lớn của Mỹ chính là những người cung cấp sự hỗ trợ chính trị ở Hoa Kỳ đối với các mối quan hệ Mỹ-Trung."

Trong cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung ở Bắc kinh, đôi bên đã ký kết một số thỏa thuận về các vấn đề biến đổi khí hậu, năng lượng và y tế. Đối với một vấn đề quan trọng về kinh tế là vấn đề điều chỉnh tỉ giá đồng Nhân dân tệ, hai nước đã không đạt được sự đồng thuận nào. Các nhà quan sát cho rằng các nhà lập pháp Hoa Kỳ có phần chắc sẽ tiếp tục gây áp lực đòi chính phủ của Tổng thống Obama chính thức tuyên bố Trung Quốc là một quốc gia thao túng chỉ tệ.

Các giới chức ở Trung Quốc đã tỏ ý cho thấy họ sẽ để cho tỉ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ được tăng thêm nữa, nhưng không nói rõ là khi nào sẽ hành động như vậy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG