Chỉ vài tiếng đồng hồ sau các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố một thông cáo nói rằng cuộc gặp này đã “gây tổn hại nghiêm trọng” đến bang giao Trung-Mỹ.
Ông nói: “Chúng tôi tin rằng các hành động của phía Hoa Kỳ đã can thiệp nghiêm trọng vào nội bộ Trung Quốc, làm tổn thương nghiêm trọng đến cảm nghĩ của nhân dân Trung Quốc và gây phương hại nghiêm trọng đến bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mời đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh đến để đưa ra “những lời trình bầy nghiêm nghị” – nói rằng Hoa Kỳ đã “vi phạm thô bạo đến quan hệ quốc tế” qua việc làm lơ trước những lời cảnh báo của họ là không nên gặp lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đang sống lưu vong.
Một nữ phát ngôn viên Sứ quán Hoa Kỳ nói rằng đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh, ông Jon Huntsman, đã nói với Thứ trưởng Ngoại giao Thôi Thiên Khải rằng đây là lúc hai nước tiến tới và hợp tác vì lợi ích “của hai quốc gia, của khu vực và thế giới.”
Bà nói rằng Hoa Kỳ đã trông đợi một phản ứng giận dữ, mặc dầu đã cảnh báo Bắc Kinh từ nhiều tháng trước rằng Tổng thống Obama sẽ bất chấp nhiều lời kêu gọi của Trung Quốc đề nghị làm mất mặt Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Bà nói: “Tôi không cho rằng đây là một sự bất ngờ. Tổng thống đã bầy tỏ sự quan ngại của ông về nhân quyền ở Tây Tạng và sự ngưỡng mộ Đức Đạt Lai Lạt Ma như một nhân vật tôn giáo quốc tế. Tôi không thể nói rằng những gì để xoa dịu Bắc Kinh về cuộc gặp gỡ này nhưng dĩ nhiên chúng tôi đã nói với phía Trung Quốc từ nhiều tháng trước, và thực ra khi Tổng thống Obama đến Trung Quốc hồi tháng 11 ông đã có đề cập đến ý định gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma khi ông mở cuộc họp với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được nhiều vị Tổng thống Hoa Kỳ mời gặp – thường là ở với tư cách riêng, từ năm 1991.
Tổng thống Obama đã trì hoãn cuộc hội kiến với Đức Đạt Lai Lạt Ma hồi năm ngoái để tránh sự xa rời của Bắc Kinh trước chuyến công du Trung Quốc. Quyết định đó đã gây phẫn nộ trong giới lập pháp và các tổ chức nhân quyền.
Phản ứng của Trung Quốc được coi là thông lệ. Nhưng căng thẳng đã sẵn sôi sục về nhiều vấn đề, trong đó có vụ bán vũ khí cho Đài Loan, quan hệ thương mại và những lời cáo buộc về tin tặc của Trung Quốc.
Phát ngôn viên Sứ quán Hoa Kỳ nói tiếp: “Tôi sẽ không coi đó là một sự thay đổi về đường lối ngoại giao. Đây là xu hướng trong mối bang giao giữa hai bên, rằng chúng tôi có những vấn đề mà chúng tôi không đồng ý và chúng tôi còn nhiều vấn đề khác đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc.”
Các giới chức Tòa Bạch Ốc cho hay Tổng thống rất hài lòng khi nghe tin Trung Quốc và giới lãnh đạo Tây Tạng ở nước ngoài đã mở lại các cuộc đàm phán và kêu gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục đối thoại thêm.
Nhưng các giới chức sốt sắng xác minh rõ với Bắc Kinh rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma không được tiếp đón trong cương vị một nhà lãnh đạo chính trị. Hai nhân vật đã gặp nhau trong phòng Bản Đồ của Tòa Bạch Ốc, chứ không phải tại Văn phòng chính thức Hình bầu dục của Tổng thống Hoa Kỳ, và chỉ có một bức ảnh duy nhất của hai người chụp chung được công bố.
Đa số người Tây Tạng ở Trung Quốc tiếp tục tôn thờ lãnh tụ tinh thần sống lưu vong của họ và đã thắp hương và đốt pháo chào mừng cuộc hội kiến.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã gặp riêng Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton.
Các giới chức ở Bắc Kinh đã mời đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc đến để phản đối cuộc hội kiến hôm qua giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đang sống lưu vong. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Peter Simpson gửi về bài tường thuật.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1