Ông Khúc Tinh là chủ tịch Học Viện nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cố vấn cho Bắc Kinh về các vấn đề ngoại giao.
Ông đã dùng lời lẽ rất mạnh bạo khi được hỏi về các nhận định của Ngoại trưởng Clinton nói rằng Hoa Kỳ có cam kết với Philippin theo một hiệp định về quốc phòng.
Ông Khúc nói ông nghĩ rằng tiền đề của lời phát biểu của bà Clinton là Trung Quốc sắp xâm lăng Philippin - một khái niệm mà ông gọi là “hoàn toàn vô căn cứ.”
Quần đảo Trường Sa là trọng điểm chính của các vụ tranh chấp lãnh hải trong vùng Biển Nam Trung Hoa. Trung Quốc cùng nhận chủ quyền các hòn đảo giàu tài nguyên dầu khí với Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam.
Nhà phân tích Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh có cam kết với một giải pháp ôn hòa về những lời nhận chủ quyền chồng chéo, nhưng chỉ trên cơ sở song phương. Ông nói các hành động của Hoa Kỳ “không có lợi” cho đối thoại và thương nghị.
Quần đảo Trường Sa cũng nằm gần các tuyến hàng hải quan trọng, và Washington đã bầy tỏ sự quan ngại rằng tầu bè của Hoa Kỳ sẽ không có khả năng di chuyển một cách tự do nữa trong vùng Biển Nam Trung Hoa.
Cựu đại sứ Trung Quốc ở Anh Mã Chấn Cương cũng làm cố vấn cho Bắc Kinh về các vấn đề đối ngoại. Ông nói ông không thấy có vấn đề đối với sự đi lại tự do trong vùng biển này, và cáo buộc Hoa Kỳ là liên kết hai vấn đề khác nhau.
Ông Mã nói ông đã đọc các bài báo tố giác Hoa Kỳ là dùng vấn đề Biển Nam Trung Hoa như một cái cớ để trở lại châu Á. Ông nói thêm rằng các nước khác can dự vào vụ tranh chấp lãnh hải hy vọng rằng với sự can dự của Washington, họ có thể có thêm sức mạnh đối đầu với Trung Quốc.
Ông so sánh các diễn biến hiện nay với việc Việt Nam tái khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa hồi thập niên 1970. Ông nói Hà Nội lúc đó được sự hậu thuẫn của Liên bang Sô viết, và do đó đã có hành động “cứng rắn hơn” đối với Trung Quốc.
Ông nói Trung Quốc từng có cam kết bảo về hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và cho đến giờ này, vẫn hạn chế các hoạt động của mình ở đó.
Trong khi đó, cách thức Trung Quốc xử lý vấn đề Trường Sa cũng có các ảnh hưởng đến những vụ tranh chấp lãnh thổ khác. Ông Amer Latif, một giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược, nói rằng các giới chức ở Ấn Độ đang theo dõi sát các diễn biến ở Biển Nam Trung Hoa.
Ông nói: “Tôi cho rằng Ấn Độ lo ngại về thái độ của Trung Quốc trong vùng biển Nam Trung Hoa có thể là dấu hiệu về cách thức Trung Quốc sẽ hành động đối với họ trong vụ giải quyết các tranh chấp về biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu ta thấy Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc quốc tế và gây hấn với các nước láng giềng, thì tôi nghĩ đó sẽ là một dấu hiệu xấu cho New Delhi về cách thức Trung Quốc có thể hành động đối với các cuộc thảo luận song phương về biên giới của họ.”
Trung Quốc và Ấn Độ đã giao tranh trong một cuộc chiến biên giới ngắn nhưng rất gay gắt vào năm 1962. Hai nước đang tiến hành đàm phán để giải quyết vấn đề, nhưng một giải pháp dường như còn xa với giữa các tin tức cho thấy cả hai nước mới đây đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở cả hai bên biên giới.
Cố vấn của Bắc Kinh đáp lại Ngoại trưởng Clinton về vụ tranh chấp hải đảo bằng lời lẽ cứng rắn
- Stephanie Ho
Các nhà phân tích chính sách đối ngoại Trung Quốc bác bỏ cam kết của Ngoại trưởng Clinton ủng hộ Philippin, giữa các căng thẳng gia tăng về vụ tranh chấp lãnh hải có liên quan đến Trung Quốc và các nước đòi chủ quyền trong vùng biển Nam Trung Quốc.