Thông tấn xã chính thức của Trung Quốc nói rằng một trong những tin nước ngoài hàng đầu trong năm 2010 là sự “trở lại” của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á Thái bình dương mà Tân Hoa Xã cho là đã gây trở ngại cho các mối quan hệ trong vùng.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du hôm nay từ chối không trực tiếp bình luận về bản tin này của Tân Hoa Xã.
Tuy nhiên, bà Khương Du tuyên bố Trung Quốc tin rằng Hoa Kỳ có ảnh hưởng lớn trong khu vực và hy vọng Hoa Kỳ có thể đóng điều bà mô tả là một “vai trò xây dựng trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định trong vùng.”
Bà không đi vào chi tiết về những gì Trung Quốc coi là có tính cách xây dựng.
Bài báo của Tân Hoa Xã hôm nay nhắm vào điều mà bài báo này gọi là những vụ can thiệp thường xuyên của Washington vào những cuộc tranh chấp giữa các nước Á châu.
Danh sách này bao gồm căng thẳng gia tăng giữa Nam và Bắc Triều Tiên, quần đảo Điếu Ngư, mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đều nhận chủ quyền.
Bài báo cũng nêu ra sự can dự của Hoa Kỳ trong những vụ tranh chấp lãnh thổ đa quốc ở vùng biển Nam Trung Quốc.
Hoa Kỳ đã từng là một cường quốc ở vùng Thái bình dương từ hơn 1 thế kỷ, và duy trì các liên minh vững mạnh với nhiều quốc gia châu Á trong đó có Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Thái Lan.
Nữ phát ngôn viên của Trung Quốc không nói liệu sự hiện diện của Hoa Kỳ ở châu Á có sẽ được đưa ra thảo luận khi chủ tịch Hồ Cẩm Đào đi Hoa Kỳ vào tháng tới hay không.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã xác định rõ rằng Trung Quốc không hài lòng về các cuộc tập trận của hải quân Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên trong vùng Hoàng Hải, và không cho là Washington có vai trò nào trong các vụ tranh chấp lãnh thổ ở biển Nam Trung Quốc.
Một vụ tranh chấp Trung Mỹ có liên quan đến thông báo mới đây của Bắc Kinh cho biết họ sẽ cắt giảm xuất khẩu về khoáng sản đất hiếm, một chất liệu cấp thiết trong việc chế tạo một loạt sản phẩm điện tử và kỹ thuật năng lượng sạch.
Trung Quốc có khoảng 1/3 trữ lượng về đất hiếm trên thế giới, nhưng chiếm hơn 90% sản lượng toàn cầu. Hồi đầu tuần này, Trung Quốc loan báo sẽ cắt lượng xuất khẩu gần 11% trong nữa đầu năm 2011.
Bà Khương Du cho hay Trung Quốc đã thực hiện điều bà gọi là “một đóng góp to lớn vào việc cung ứng và tính ổn định của thị trường đất hiếm của thế giới,” nhưng cần phải có những thay đổi.
Bà nói Trung Quốc nay đang tiến hành các “biện pháp quản lý” để bảo vệ môi trường và một nguồn lực có hạn.
Bà tuyên bố Bắc Kinh tin rằng các biện pháp này phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, WTO. Các giới chức Hoa Kỳ mới đây đã dọa sẽ đưa vấn đề ra trước cơ quan thương mại toàn cầu này.
Đã có một sự đình trệ thực sự trong việc xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc qua Nhật Bản trước đây trong năm, sau vụ tranh cãi bùng nổ về quần đảo Điếu Ngư.
Nữ phát ngôn viên của Trung Quốc hôm nay nói rằng phát triển kinh tế có nghĩa là mức cầu quốc tế về đất hiếm sẽ gia tăng, và bà kêu gọi các nước khác cũng phát triển và khai thác bất cứ tài nguyên đất hiếm nào mà họ có.
Nhiều công ty mỏ ở các nước khác đã đóng cửa các hoạt động khai thác đất hiếm trong 20 năm vừa qua bởi vì, theo các chuyên gia trong công nghiệp này, mặt hàng mà Trung Quốc xuất khẩu đã được định giá quá thấp và đẩy họ ra khỏi thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay vào lúc giá đất hiếm tăng, có những mỏ đang được khai thác ở Australia, Canada, Nam Phi và Hoa Kỳ.
Một giới chức Trung Quốc tuyên bố Hoa Kỳ có ảnh hưởng đáng kể tại châu Á và kêu gọi nước này đóng một vai trò bà gọi là tích cực trong khu vực.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1