Tin từ Tây Tạng cho hay một nhà sư Tây Tạng khác đã chết hôm Chủ nhật sau khi tự thiêu trong quận Dari thuộc khu vực Amdo.
Tin cho hay trước khi nhà sư 42 tuổi tên Lama Sopa Tulku châm lửa tự thiêu, ông nói ông làm như vậy để tưởng nhớ tất cả những người Tây Tạng đã chết kể từ năm 2009 để tranh đấu cho tự do của Tây Tạng và để cho đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của họ, trở về. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải trốn sang Ấn Độ năm 1959 trong một cuộc nổi dậy bất thành chống quyền cai trị của Trung Quốc.
Ông Lama Sopa là một nhà sư Phật giáo Tây Tạng thứ ba tự thiêu trong 3 ngày qua như một hình thức phản kháng chống quyền cai trị của Trung Quốc tại Tây Tạng.
Hôm Chủ nhật, Tân Hoa Xã xác nhận tin một nhà sư Tây Tạng đã chết sau khi ông và một người nữa châm lửa tự thiêu hôm thứ Sáu gần tu viện Kirti, một điểm nóng trong tỉnh Tứ Xuyên
Tân Hoa Xã loan tin một nhà sư 18 tuổi đã chết sau khi tự thiêu tại một phòng ở khách sạn gần tu viện, chỉ chốc lát sau khi một người đàn ông 22 tuổi phải nhập viện vì vết thương nặng sau khi châm lửa tự thiêu tại một ngã tư đường gần đấy.
Trong năm qua đã có ít nhất 14 tín đồ Phật giáo Tây Tạng tự thiêu trong tỉnh này kể từ khi một nhà sư trẻ phản đối quyền cai trị của Trung Quốc đã chết sau khi tự thiêu ở bên ngoài tu viện Kirti hồi tháng Ba. Cái chết này đã làm dấy lên nhiều tháng biểu tình phản đối của các ni sư và khiến nhà cầm quyền Trung Quốc mạnh tay đàn áp, gồm các vụ bắt giữ và mất tích của hàng trăm nhà sư.
Bắc Kinh đã chỉ trích các vụ tự thiêu và cáo buộc những người Tây Tạng lưu vong khuyến khích họ tự thiêu. Chính phủ Trung Quốc nói người Tây Tạng được hưởng quyền tự do tín ngưỡng.
Hôm Chủ nhật, Tân Hoa Xã trích dẫn lời nhà chức trách địa phương nói các vụ tự thiêu là do những kẻ vi phạm luật pháp thực hiện và những kẻ "đã bị trừng trị trước đây vì những hành động sai trái như đến các động mãi dâm, đánh bạc, trộm cắp hay công nợ ngập đầu ngập cổ."
Vào tháng 11 Hoa Kỳ đã khuyến nghị Bắc Kinh chỉnh đốn “các chính sách phản tác dụng” của họ tại các nơi có nhiều người Tây Tạng sinh sống trong tỉnh Tứ Xuyên. Một nữ phát ngôn viên nói các chính sách của Trung Quốc đã gây căng thẳng, đe dọa đến bản sắc văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ độc đáo của nhân dân Tây Tạng.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1