Trung Quốc tăng cường an ninh tại Tây Tạng trước ngày kỷ niệm năm thứ hai cuộc bạo loạn về sắc tộc tại vùng núi Hymalaya này.
Tường trình từ Llasa, thủ phủ Tây Tạng cho biết cảnh sát và binh sĩ được bố trí trên toàn thành phố. Nhà cầm quyền cũng xét hỏi giấy tờ chứng minh và lục soát xe đi về phía Llasa.
Tổ chức Human Rights Watch nói là có được tin cho biết một vài người bị bắt giữ mà không bị truy tố. Nhóm theo dõi về nhân quyền này hôm thứ Sáu yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền tự do bày tỏ ý kiến và tập họp ôn hòa của những người muốn kỷ niệm năm thứ hai của vụ xáo trộn tháng 3 năm 2008.
Từ khi có vụ xáo trộn này, nhà cầm quyền trung ương Trung Quốc đã có những nỗ lực để phòng ngừa những vụ xáo trộn tái diễn tại vùng có đa số người Tây Tạng cư ngụ.
Cuộc biểu tình ôn hòa biến thành bạo động vào ngày 14 tháng 3 năm 2008 sau khi chính phủ gởi binh sĩ đến giải tán đám đông.
Bắc Kinh nói là có hơn 20 người bị giết và nhiều người khác bị thương. Các cửa hàng và các tòa nhà chính phủ bị đập phá.
Chính phủ Trung Quốc cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng xúi giục các cuộc bạo loạn với mục đích giành độc lập cho vùng này. Đức Đạt Lai Lạt Ma phủ nhận cáo buộc và nói Ngài chỉ vận động cho quyền tự trị về văn hóa của Tây Tạng.
Trong tháng Ba này, Tây Tạng cũng kỷ niệm 51 năm cuộc nổi dậy chống sự cai trị của Trung Quốc bị thất bại.
Trong bài diễn văn đọc hôm thứ Tư 10 tháng 3 kỷ niệm ngày nổi dậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma cáo buộc chính phủ tại Bắc Kinh nỗ lực tiêu diệt Phật Giáo tại Tây Tạng. Các giới chức Trung Quốc chỉ trích bài diễn văn và cho rằng điều này chứng tỏ Đức Đạt Lai Lạt Ma có ý định chia rẽ Trung Quốc.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1